Năm 2017, các cấp Hội nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với 72.370 hộ đăng ký, đạt 104,5% chỉ tiêu giao.
Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2017, Hội Nông dân tỉnh đã suy tôn, biểu dương 46 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Hội đã phối hợp vận động nông dân thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là 8 đề án thành phần có các chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển, những sản phẩm, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, chè vùng cao, sản xuất ngô đông trên đất hai vụ lúa, cây quế, cây măng tre Bát độ, cây sơn tra.
Hội Nông dân tỉnh đã tham gia Hội chợ hàng Việt tổ chức tại thành phố Hà Nội nhằm tích cực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu như: gạo Séng Cù, gạo nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, cam Văn Chấn của huyện Văn Chấn; mật ong, thảo quả của huyện Mù Cang Chải; khăn, đệm thổ cẩm của thị xã Nghĩa Lộ; bưởi Đại Minh của huyện Yên Bình… đến với người tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.
Ngoài ra, Hội phối hợp với các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai một số mô hình, dự án như: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững "Nuôi bò sinh sản” tại xã Động Quan, xã Minh Tiến của huyện Lục Yên; Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm” tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên; Dự án "Xử lý chất thải trong phát triển trang trại” tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
Hội cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học Nông vận - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 3 lớp tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn cho 270 cán bộ, hội viên nông dân cơ sở của huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái.
Bên cạnh các hoạt động tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp tục được đẩy mạnh và liên kết, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn, các cấp Hội nông dân toàn tỉnh đã phối hợp mở 819 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 28.665 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật thâm canh, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Việc liên kết của tổ chức Hội với Công ty Phân bón Lâm Thao, Apatit Lào Cai đã cung ứng 1.980 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.
Các cấp Hội đã tích cực vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể; kí kết Chương trình phối hợp đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể giai đoạn 2017 - 2020 với Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Thông qua hoạt động của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, các cấp Hội phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 2 hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, 27 tổ hợp tác, 31 nhóm hộ trồng rừng FSC với tổng số trên 1.000 thành viên.
Ngoài ra, các cấp Hội đã chủ động liên kết, phối hợp xây dựng 13 hợp tác xã, gần 50 tổ hợp tác trong sản xuất nông lâm nghiệp, điển hình như Hội Nông dân huyện Văn Chấn hỗ trợ xây dựng 4 hợp tác xã sản xuất cam Văn Chấn gắn với nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn” do Hội Nông dân huyện làm đại diện.
Công tác tuyên truyền, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể, không trông chờ ỷ lại, chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất, hiến kế xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của các cấp Hội đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 33 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó riêng năm 2017 có 15 xã đạt chuẩn. Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục nỗ lực khẳng định rõ nét hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thơm