Mù Cang Chải hhai thác thế mạnh thương hiệu sơn tra

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/4/2018 | 7:15:48 AM

YBĐT - Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có trên 2.400 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Lao Chải và Chế Tạo. Theo quy hoạch của huyện, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện sẽ trồng mới thêm khoảng 3.000 - 3.500 ha, đưa tổng diện tích toàn huyện lên khoảng 6.000 ha.

Người dân bản Lùng Cúng, xã Nậm Có chăm sóc sơn tra.
Người dân bản Lùng Cúng, xã Nậm Có chăm sóc sơn tra.


Nhắc đến Mù Cang Chải người ta nghĩ ngay đến Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang nổi tiếng với những thửa ruộng chín vàng, mềm mại làm say đắm lòng người. Nhớ đèo Khau Phạ uốn lượn quanh những dãy núi điệp trùng, mây trắng bao phủ quanh năm. Nhớ những sản vật đặc trưng vùng miền như: rượu thóc La Pán Tẩn, mật ong rừng Nậm Khắt, đặc biệt là sơn tra - loại quả được biết đến là sản vật của xứ Mù Cang, có giá trị dinh dưỡng cao, đang là cây kinh tế mũi nhọn giúp người dân địa phương ổn cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Cây sơn tra với gia đình ông Chang Trừ Nủ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có trước chỉ để chặt làm củi. Sơn tra mọc nhiều trên nương rẫy nhưng có mấy ai biết giá trị kinh tế của loại cây rừng này. Thế nhưng vài năm trở lại đây, thấy được lợi ích kinh tế của cây sơn tra, gia đình ông Nủ đã biết trồng thêm, biết bảo vệ, chăm sóc để thu hái quả được năng suất. Hiện gia đình ông có trên 4 ha cây sơn tra đang cho thu hoạch, mỗi năm, đem về cho gia đình nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
 
Ông Chang Trừ Nủ cũng là một trong những hộ gia đình có diện tích cây sơn tra nhiều nhất ở bản Lùng Cúng. Từ cây sơn tra, gia đình ông đã thoát cảnh thiếu đói quanh năm; xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống.
 
Ông Nủ chia sẻ: "Trước đây, bà con mình chưa biết cây sơn tra có giá trị kinh tế cao thế để mà bảo vệ, chăm sóc. Giờ nhà nào trồng sơn tra đều có tiền nên hộ nào cũng chủ động bảo vệ rừng, trồng, chăm sóc sơn tra để phát triển kinh tế gia đình”.
 
Cũng như nhiều hộ ở Lùng Cúng, cây sơn tra với gia đình chị Chang Thị Lỳ chính là cây kinh tế đem lại thu nhập chủ yếu, giúp gia đình thoát nghèo. Mùa sơn tra đang độ kết trái, tranh thủ thời tiết khô ráo, chị Lỳ tập trung toàn bộ nhân lực của gia đình để phát dọn đồi quả.
 
Chị Lỳ bộc bạch: "Năm nay, hoa táo nở nhiều hơn so với mọi năm, thời tiết thuận nên bà con phấn khởi chăm sóc, hy vọng sẽ cho thu hoạch nhiều hơn năm trước”. Xã Nậm Có là địa phương có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện, trên 450 ha, trong đó trên 300 ha đang cho thu hoạch và 150 ha diện tích trồng mới 2 - 3 năm tuổi.
 
Ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Cây sơn tra được địa phương xác định là một trong những loại cây kinh tế chủ lực. Năm 2018, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo nhân dân, nhất là 2 bản Lùng Cúng, Phình Ngài - có diện tích cây sơn tra nhiều nhất tuyên truyền các hộ tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích trồng, mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng sơn tra thu hoạch trong những năm tới”.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có trên 2.400 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Lao Chải và Chế Tạo. Theo quy hoạch của huyện, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện sẽ trồng mới thêm khoảng 3.000 - 3.500 ha, đưa tổng diện tích của toàn huyện lên khoảng 6.000 ha.
 
Năm 2016, sản phẩm quả sơn tra của huyện Mù Cang Chải đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sơn tra Mù Cang Chải, mục tiêu xây dựng sản phẩm sơn tra trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh sơn tra, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp.
 
Đến nay, người dân Mù Cang Chải không còn trồng nhỏ lẻ, manh mún mà đã trồng tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân đã biết sơ chế, chế biến sản phẩm quả sơn tra thành những mặt hàng có giá trị kinh tế như: rượu sơn tra, mứt sơn tra, ô mai sơn tra…, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương bảo vệ, chăm sóc hiệu quả diện tích sơn tra hiện có; đồng thời, phát triển mở rộng diện tích trồng cây sơn tra ở những địa phương có điều kiện phù hợp, mục tiêu nâng cao thu nhập, tiến tới xóa nghèo bền vững. Việc phát triển cây sơn tra trên địa bàn huyện còn là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn.
 
Ông Nguyễn Anh Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện cho biết: "Cây sơn tra là cây có tác dụng kép, có giá trị kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao trong huyện. Dựa vào các điều kiện tự nhiên, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đã tham mưu giúp UBND huyện phát triển diện tích cây trồng này tại các khu vực là Lùng Cúng, Phình Ngài của xã Nậm Có; các xã khu II và xã Lao Chải; đồng thời, chọn lựa các nguồn giống có chất lượng cao để phân bổ chỉ tiêu cho nhân dân các xã gieo trồng trong thời gian tới. Trong tương lai, việc phát triển rừng được thay thế bằng trồng cây sơn tra sẽ đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định lâu dài, góp phần phát triển kinh tế cũng như việc xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn”.

Phạm Minh

Các tin khác

YBĐT - Quý I/2018, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 489,3 tỷ đồng, bằng 24,3% dự toán trung ương giao, 22,1% dự toán tỉnh giao và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

YBĐT - Trong 3 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT huyện, thị, thành phố kiểm tra, xử lý 100 vụ vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh tặng giấy khen cho các thành viên QTDND xã Châu Quế Hạ đã có thành tích trong hoạt động của Quỹ.

YBĐT - Chỉ tính riêng trong năm 2017, Quỹ Tín dụng nhân dân xã Châu Quế Hạ đã giải quyết cho 604 lượt thành viên vay vốn với doanh số trên 48 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng đầu tư cho vay trên 4 tỷ đồng,

Nhờ chuyển diện tích chuồng trại chăn nuôi lợn sang nuôi gà ri lai thả vườn, năm 2017 gia đình anh Đỗ Quốc Nam, thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái thu về trên 100 triệu đồng.

YBĐT - Cùng với việc giữ vững các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được năm 2016, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên còn luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những cây, con mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; phấn đấu hết năm 2018 mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục