Thị xã nghĩa lộ: Hướng đi cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/5/2018 | 7:51:45 AM

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có 513 cơ sở doanh nghiệp, công ty cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn và hộ cá thể với gần 1.800 lao động.

Nghề dệt thổ cẩm tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn ở thị xã Nghĩa Lộ.
Nghề dệt thổ cẩm tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn ở thị xã Nghĩa Lộ.

Năm 2017, thị xã phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 120 tỷ đồng và đến cuối năm con số này đã đạt và vượt kế hoạch gần 125 tỷ đồng. Theo đó, năm 2018 thị xã phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 128 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 135 tỷ đồng...

Tuy là xã thuần nông, nhưng những năm gần đây, xã Nghĩa Phúc đã có nhiều chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), thương mại và dịch vụ đến toàn thể nhân dân trên địa bàn như: chính sách hỗ trợ người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế; giới thiệu việc làm cho người lao động; hướng dẫn áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống, CN - TTCN và thương mại - dịch vụ.
 
Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có 58 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó, có 4 hộ sửa chữa ô tô, xe máy; 54 hộ kinh doanh buôn bán tổng hợp như buôn bán hàng tạp hóa, ăn uống, xay xát... Đặc biệt, Khách sạn 999, Doanh nghiệp Tư nhân Liên Thức đã duy trì sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 50 lao động phổ thông với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống...

Đối với phường Trung Tâm - nơi có chợ Mường Lò, các cơ sở sản xuất CN - TTCN nhiều nhất của thị xã Nghĩa Lộ luôn tạo điều kiện cho mọi đối tượng tham gia phát triển đa dạng hóa các ngành nghề và mặt hàng sản xuất như: cơ khí xây dựng, cơ khí vận tải, sản xuất chế biến gỗ, chế biến lương thực và dệt thổ cẩm; bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Hiện nay, phường Trung Tâm có gần 200 cơ sở sản xuất CN - TTCN, giá trị sản xuất hàng năm luôn đạt gần 50 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 750 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
 
Phường Trung Tâm cũng đang đề ra nhiều nhóm mục tiêu và giải pháp để tiếp tục đưa ngành CN - TTCN và thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh như: phấn đấu giá trị sản xuất CN - TTCN hàng năm tăng bình quân 15% trở lên và thương mại, dịch vụ tăng bình quân 28%. 

Bên cạnh đó, phường cũng đặc biệt chú trọng đến các chính sách về vốn, đào tạo lao động và các chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn, hoãn thuế trong sản xuất, kinh doanh, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường có điều kiện phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.

Năm 2018, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 128 tỷ đồng và để thực hiện mục tiêu này, thị xã tiếp tục khuyến khích phát triển các nghành CN - TTCN có nhiều lợi thế, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất và cung cấp điện nước, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, cơ khí sản xuất công cụ và sửa chữa, ngành nghề truyền thống…
 
Tạo điều kiện về các thủ tục đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động theo nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ các cơ sở sản xuất. Đồng thời, chủ động hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và mở rộng dây chuyền của nhà máy may; nâng cao chất lượng các điểm chế biến, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghiệp để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo mục tiêu của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, đến năm 2020 giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 135 tỷ đồng. Theo đó, Nghĩa Lộ đã chủ động đề ra các giải pháp như: quy hoạch xây dựng từ 1 - 2 cụm công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi các khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường; hình thành các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ là phù hợp; tập trung một số ngành nghề có lợi thế như: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến nông lâm sản, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí…

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực CN - TTCN trên địa bàn thị xã; tăng cường tư vấn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, coi trọng đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; tư vấn các lĩnh vực có lợi thế phát triển bền vững như: sản xuất gia công cơ khí, chế biến nông - lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm…; vận động khuyến khích các đơn vị đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ưu tiên các cơ sở đầu tư các ngành nghề sản xuất vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả các nguồn vốn khuyến công, khoa học - công nghệ.
 
Song song với đó, thị xã cũng khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất sạch không gây ô nhiễm môi trường; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị; tăng cường và tạo điều kiện kêu gọi đầu tư liên doanh liên kết của các đối tác có năng lực trong và ngoài tỉnh đầu tư vào thị xã; khuyến khích tạo điều kiện cho các đơn vị đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị máy móc mới, đào tạo nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại hàng hóa, có các sản phẩm mũi nhọn, đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về số lượng, chất lượng.

Tạo mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư sản xuất với quy mô lớn hơn, đầu tư thiết bị công nghệ, nhân rộng các mô hình đã được hỗ trợ theo chương trình khuyến công nhằm khuyến khích phát triển ngành cơ khí, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất… góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời, tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
 
Ngoài ra, thị xã còn có chính sách ưu tiên phù hợp với từng loại hình sản xuất, mặt hàng sản xuất cải tiến thủ tục hành chính chống phiền hà cho cơ sở; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh được thuê mặt bằng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh khuyến công bằng cơ chế chính sách thích hợp như: hỗ trợ vốn vay ưu đãi, mở các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật, công tác quản lý, mở rộng liên doanh, liên kết, phát triển thị trường; quy hoạch tốt cho phát triển công nghiệp, tăng cường quản lý Nhà nước đối với sản xuất công nghiệp.

Những chính sách khuyến khích phù hợp đối với lĩnh vực CN - TTCN, thương mại và dịch vụ sẽ giúp cơ cấu kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ có những chuyển biến mạnh trong thời gian tới và giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập cao, đóng góp thêm cho ngân sách Nhà nước.

Trần Ngọc

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục