Tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/5/2018 | 1:47:34 PM

YBĐT - Tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình  đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 8 tỷ, đạt tỷ lệ 8,3% so với đầu năm và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình.


Đầu năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Yên Bình 180 triệu đồng, cộng với số vốn của gia đình, bà Thanh đã đầu tư 22 lồng cá trên hồ Thác Bà.

Môi trường nước trong sạch, nguồn thức ăn chủ yếu là cá nhỏ trên hồ rất sẵn, cộng với việc chăm sóc cẩn thận, đúng với kỹ thuật hướng dẫn nên đàn cá của gia đình lớn rất nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, mấy chục tấn cá được tiêu thụ hết với giá bán khá cao, đặc biệt là đàn cá ngạnh được khách hàng ưa thích vì giống cá hoàn toàn tự nhiên (bắt ngay trên hồ) và thức ăn cũng từ nguồn cá tự nhiên. Từ nguồn thu đó, gia đình bà Thanh đã hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi đúng kỳ, đúng hạn rồi lại tiếp tục vay món mới để nuôi tiếp đàn cá thứ hai.
 
Thành công từ việc vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh cũng là niềm vui chung của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương. Đối với những cán bộ của Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình thì họ thấy hạnh phúc bởi mình đã và đang góp sức vào công cuộc đổi mới và phát triển trên chính quê hương mình.

Mấy năm trở lại đây, hoạt động của Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh khá gay gắt với các tổ chức tín dụng khác, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn chưa phát triển mạnh, địa bàn lại rộng khắp.
 
Trong bối cảnh khó khăn ấy, cán bộ, nhân viên Agribank Chi nhánh Yên Bình luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, áp dụng các giải pháp kinh doanh, phục vụ sát hợp với đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là quảng bá thương hiệu Agribank với những sản phẩm dịch vụ tiện ích tới mọi người dân trong vùng nhằm kiên trì mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, đầu tư cho vay và triển khai đầy đủ các dịch vụ tài chính, ngân hàng khác.
 
Theo thống kê, đến hết tháng 4/2018, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 612 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm, tăng 6,4% so với thời điểm 31/12/2017 và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tiền gửi dân cư đạt 594 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch, tăng 40 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017. Với nguồn vốn sẵn có, đơn vị đã đẩy mạnh đầu tư cho vay, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
 
Hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng này đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 8 tỷ, đạt tỷ lệ 8,3% so với đầu năm và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Nghị định số 55) là 946 tỷ đồng, chiếm 91% tổng dư nợ.

Đánh giá của Ban Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,4%/tổng dư nợ. Có được kết quả đó là nhờ Nghị định số 55 đã tạo cơ chế thông thoáng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phía ngân hàng cũng thực hiện rất tốt Nghị định số 55 bằng cách ưu tiên nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Vốn của Agribank đã phát huy hiệu quả giúp bà con khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: trồng rừng, chế biến gỗ, điển hình trên lĩnh vực này phải kể đến Công ty cổ phần Yên Thành, một khách hàng truyền thống của Chi nhánh với ngành nghề sản xuất gỗ ép và chế biến măng tre Bát độ.
 
Năm 2017, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ 6.753m3 gỗ, 1.807 tấn măng, nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động với thu nhập khá. Vốn tín dụng của Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình còn tập trung đầu tư vào việc mua sắm máy móc nông nghiệp, cây con giống, xây dựng chuồng trại, đặc biệt là khai thác mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản với hàng nghìn lồng cá.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Yên Bình chia sẻ: "Mục tiêu của năm 2018 của chúng tôi là huy động 640 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi dân cư 624 tỷ, tổng dư nợ đạt 1.197 tỷ đồng, giảm mức nợ xấu xuống dưới 1%/tổng dư nợ”. Khó khăn còn nguyên trước mắt nhưng lợi thế cũng không nhỏ, trên hết là tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên để chung sức xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lê Phiên

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục