Yên Bái chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại lúa

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2018 | 8:06:03 AM

YBĐT - Hiện toàn tỉnh có 12.928 ha/19.658 ha lúa xuân đã trỗ bông. Theo thống kê, hiện có 3.617 ha đang bị bệnh khô vằn và rầy nâu, rầy lưng trắng. 

Người dân Văn Chấn chăm sóc lúa xuân.
Người dân Văn Chấn chăm sóc lúa xuân.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực để kịp thời ngăn chặn sâu, bệnh phát sinh.

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 19.658 ha lúa xuân, tăng 22,8 ha so với vụ đông xuân trước. Cơ cấu giống lúa lai chiếm 55% diện tích, chủ lực là các giống Nghi hương 305, TH 3-3, Việt lai 20, C.ưu đa hệ số 1, D.ưu 6511, CT 16, Nhị ưu 838, Nông ưu 28, LY 2099, Kim ưu 725, còn lại là giống lúa thuần gồm: Hương chiêm, Thiên ưu 8, TBR225, BC15, ĐS1, JO2, Séng cù, KD18, HT1.
 
Đến thời điểm này, hơn 10.000 ha lúa xuân trà I, đang trong giai đoạn trỗ - ngậm sữa - chắc xanh; trà 2 đang trong giai đoạn đòng - trỗ. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, sâu, bệnh hoành hành trên lúa. 

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh khô vằn đã xuất hiện trên diện tích 2.364 ha ở các huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái.
 
Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 1.253,2ha, trung bình là 734,9 ha, nặng là 376 ha, diện tích nhiễm cao hơn chu kỳ nhiều năm 716 ha. Bệnh khô vằn gây hại sẽ làm giảm năng suất và chất lượng lúa gạo, hạt lúa bị lép lửng, gạo xay bị nát, chất lượng gạo thấp.
 
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là ở nhiều địa phương, rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời thì dịch sẽ còn tiếp tục lan rộng và có nhiều khả năng gây cháy rầy trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ xuân. 

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 17/5, toàn tỉnh đã có 1.203 ha lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ phổ biến từ 500 - 960 con/m2, nơi cao từ 700 - 2.000 con/m2.
 
Trước diễn biến tình hình sâu, bệnh như trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên điều tra đồng ruộng để thống kê diện tích nhiễm bệnh, dự báo chính xác, ra thông báo chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các biện pháp phòng trừ để ngành có chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, tổ chức 65 đợt kiểm tra tình hình sâu, bệnh trên các cây trồng chính trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng phối hợp với nông dân phát hiện sâu, bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.
 
Để phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; tăng cường hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. 

Nhờ đó, các địa phương đã tổ chức hướng dẫn bà con nông dân phun phòng trừ khá hiệu quả. Đến nay, bà con nông dân đã phòng trừ được gần 1.150 ha lúa nhiễm bệnh khô vằn và 750 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng có tỷ lệ cao.

Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn trong thời gian tới tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mưa nắng bất thường sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng.
 
Bà con nông dân không nên chủ quan, lơ là, cần tích cực thăm đồng chủ động phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại lúa, để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đặc biệt, thời gian tới, cần tập trung diệt bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, tập đoàn rầy. 

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng có tính kháng thuốc rất cao, vì thế, muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, nông dân cần phun thuốc khi thật cần thiết khi mật độ gây hại ở ngưỡng từ 2.000 con/m2 trở lên. Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt.
 
Khi mật độ rầy đến ngưỡng phải phun trừ bằng thuốc, bà con nên chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy đặc hiệu như: Midan 10WP, Admire 50 EC, Actara 25 WG, Bassa 50 EC, Trebon 10EC; Victory 585EC; 300EC; Anvado 700 WG,Dragon 585 EC. 

Đối với bệnh khô vằn, những diện tích lúa nhiễm bệnh tỷ lệ 5 - 10% trở lên, cần hướng dẫn nông dân giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Viladamycin, Hexaconazole.

Văn Thông

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục