Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây tăng áp lực cho nông sản Việt

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/7/2018 | 7:38:11 AM

Hàng hóa từ Mỹ và Trung Quốc tràn ra tìm kiếm thị trường mới do những chính sách thuế quan, điều này tạo áp lực không nhỏ cho nông sản Việt.

Thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu sẽ cạnh tranh khốc liệt.
Thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu sẽ cạnh tranh khốc liệt.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 ngành nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua đó là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, những tín hiệu bất ổn của thị trường xuất khẩu khi chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Ủy ban châu Âu (EC) gia hạn "thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, diễn biến thời tiết, thiên tai đang là những khó khăn hiện hữu trong những tháng cuối năm 2018.

Thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt

Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu giữa hai nền kinh tế lớn này sẽ ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam.

Trước những áp lực về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường thay thế. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam.

Trong khi đó, nông sản xuất khẩu của Mỹ như trái cây và các sản phẩm thịt bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, vịt… sẽ bị Trung Quốc đánh thuế bổ sung 25% để đáp trả. Các sản phẩm này từ Mỹ cũng có thể sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong tháng 5, nhập khẩu thịt từ Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các thị trường nhập khẩu thịt vào Việt Nam, với khoảng 37%, tương đương gần 11.000 tấn, trị giá hơn 13 triệu USD. Con số này tăng gần 50% về lượng so với tháng 4.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, chiến tranh thương mại sẽ khiến nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm kiếm thị trường mới và có thể tràn vào Việt Nam tạo ra áp lực cạnh tranh cho sản phẩn nông sản nội địa. Chính sách thuế quan cũng sẽ là rào cản cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của hầu hết các sản phẩm như trái cây, lúa gạo, thủy sản… của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi và Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh chính sách có thể sẽ giảm nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam” – ông Long nói.

Như vậy, không chỉ thị trường trong nước mà thị trường xuất khẩu cũng đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn khi Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản mới. Trong khi, nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường lớn này sẽ có thể giảm xuống trong những tháng cuối năm 2018.

Xuất khẩu là rau đạt 2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, có đến 75% là tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ khiến khi xảy ra những biến động thì mặt hàng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Đây là thách thức rất lớn đối với nông sản Việt Nam.

Thủy sản vẫn đối diện nhiều khó khăn

Ngoài những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra những vấn đề về thủy sản mà Việt Nam cần phải tiếp tục khắc phục như: Việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó, việc chứng nhận hải sản khai thác còn nhiều bất cập, các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục...

Với con số 33.000 tàu đánh bắt thủy sản nhưng chỉ mới gắn thiết bị được 3.000 tàu, đây là con số rất ít ỏi, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn lại rất lớn.

Tuy nhiên, khai thác thủy sản của Việt Nam từ trước tới nay là nghề truyền thống, với tập tục cũ và là nghề cá nhân dân. Do đó, việc thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, việc Ủy ban Châu Âu (EC) gia hạn đối với Việt Nam trong khắc phục "thẻ vàng" là cơ hội để nghề cá nước ta có thêm thời gian hoàn thiện các khuyến nghị EC đưa ra và hướng tới nghề cá khai thác có trách nhiệm.

"Tổng cục Thủy sản và Vụ hợp tác quốc tế trực tiếp mời các chuyên gia của EC tham gia hợp tác trong thực hiện kiểm soát, truy xuất nguồn gốc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác. Làm điểm ở 1 tỉnh, có chuyên gia ở đấy để họ thấy được những khó khăn thực tế và mặt khác chúng ta có cơ sở để thuyết phục trở lại phía EC có những khuyến nghị phù hợp” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Dự kiến giữa tháng 7 năm nay, Tổng cục Thủy sản sẽ gửi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho Ủy ban Châu Âu (EC). Điểm mới trong dự thảo là bổ sung hình phạt tịch thu tàu, tịch thu giấy phép đối với các hành vi vi phạm. Đây là những nỗ lực của Việt Nam để lĩnh vực thủy sản thoát khỏi thẻ vàng của EC./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Việc áp dụng hóa đơn điện tử với doanh nghiệp xăng dầu đã được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp lớn.

Ngày 18-3, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.

Chính phủ hối thúc kiểm tra, giám sát chặt thị trường vàng.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Nhân dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chăm sóc, duy trì rừng quế giống đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định, cây quế là một loại cây trồng có giá trị về kinh tế cao, được người dân Yên Bái ví như “vàng xanh” trên núi. Thực trạng phát triển cây quế hiện nay còn chưa chú ý nhiều đến chất lượng, từ cây giống cho đến phương pháp chăm sóc, thu mua đã đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển cây quế Yên Bái bền vững về chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Giá vàng trong nước đi xuống

Sáng 18/3, giá vàng SJC trong nước được các doanh nghiệp niêm yết giao dịch trên mức 81 triệu đồng/lượng trong khi đó giá vàng nhẫn tròn giảm gần 300 nghìn đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục