Sản xuất công nghiệp ở Yên Bái: Những tín hiệu khả quan

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/7/2018 | 7:56:01 AM

YBĐT - Tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 8,46%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, Yên Bình.
Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, Yên Bình.

Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh tăng cả về số lượng, chất lượng; môi trường kinh doanh ổn định; thị trường tiêu thụ được mở rộng; tốc độ tăng trưởng toàn ngành tăng cao…

Đây là những tín hiệu khả quan của sản xuất công nghiệp (SXCN) trong 6 tháng đầu năm 2018. Mặc dù vậy, để SXCN có sự phát triển ổn định, đạt giá trị cao đòi hỏi các cấp, ngành tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn… cho các doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương, giá trị SXCN toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4.341 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), bằng 45,7% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 8,46%, chỉ số SXCN tăng 8,46% so với cùng kỳ năm 2017, cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Có được kết quả trên, phải kể đến sự gia tăng của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có các doanh nghiệp đăng ký mới, dự án đăng ký mới đi vào hoạt động đã góp phần làm cho hoạt động SXCN thêm phong phú, sôi động. Tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 1.834 doanh nghiệp, 313 hợp tác xã, 18.691 hộ kinh doanh tham gia vào sản xuất, kinh doanh thương mại.
 
Các doanh nghiệp tích cực tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chủ động tìm được các khách hàng mới, lựa chọn khách hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm… nên giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt cao.
 
Tăng trưởng xuất khẩu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì và phát triển ổn định. Ngoài ra, qua thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 6.890 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh ổn định cũng đã tạo điều kiện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, kích thích tiêu dùng và sản xuất.

Ngoài những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, đất, thuế và thị trường tiêu thụ, một số sản phẩm như: quặng sắt, sắn, đá… dù vẫn tiêu thụ nhưng giá chưa cao.
 
Đặc biệt, hoạt động SXCN tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải... Bên cạnh đó, mối liên kết mua bán, cung cầu giữa người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thông suốt, nhiều thủ tục hành chính gây khó khi người dân muốn bán hàng cho doanh nghiệp… là những khó khăn, trở ngại cho sản xuất, kinh doanh.

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, phấn đấu năm 2018, giá trị SXCN đạt 10.300 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).
 
Trên cơ sở đó, với vai trò quản lý, thời gian tới, ngành công thương tăng cường công tác phối hợp nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tranh thủ tình hình thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ.
 
Ngành sẽ kịp thời tham mưu với UBND tỉnh các chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại; hàng giả hàng kém chất lượng, tập trung kiểm tra trên các tuyến giao thông và địa bàn trọng điểm, kịp thời xử lý các vi phạm, ổn định thị trường bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đôn đốc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định về khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến mại...; tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá cho một số doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hùng Cường

Các tin khác
Lũ quét, lũ ống tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người do mưa, lũ gây ra, các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.

Theo Kiểm toán Nhà nước, dư nợ công cuối năm 2018 dự kiến ở mức khoảng 63,9% GDP.

Chính phủ quyết tâm đảm bảo khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công, giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra...

Quang cảnh Hội nghị

YBĐT - Ngày 18/7, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo lần thứ 24, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh lần thứ 12, khóa IV. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

YBĐT - Phát huy tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Trấn Yên chú trọng việc trồng rừng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: keo, quế, đặc biệt là tre măng Bát Độ. Hàng năm kinh tế đồi rừng đã mang về cho người dân Trấn Yên trên 160 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục