Yên Bái: Tổng lực thông đường, phá thế cô lập

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/7/2018 | 8:07:33 AM

YBĐT - Bất chấp nắng mưa, những ngày qua hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cùng phương tiện máy móc vẫn miệt mài nhích dần từng mét đường để tiếp cận các xã bị chia cắt của huyện Văn Chấn do ảnh hưởng của mưa bão.

Giao thông trên địa bàn xã Nậm Mười (Văn Chấn) sau mưa lũ vẫn còn rất khó khăn (ảnh Internet).
Giao thông trên địa bàn xã Nậm Mười (Văn Chấn) sau mưa lũ vẫn còn rất khó khăn (ảnh Internet).


Nhiều phương án tổng lực từ thăm dò thực địa, dùng máy bay không người lái để nắm tình hình đến huy động máy móc, phương tiện thi công ở nhiều mũi… đã được triển khai với mục tiêu bằng mọi giá phải thông đường đến các địa phương đang bị cô lập trong thời gian sớm nhất để khắc phục hậu quả, cứu trợ và bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Đường liên xã từ thôn Bản Mười, xã Sơn Lương đi Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn 3 ngày sau lũ vẫn ngổn ngang bùn đất, cây cối. Con suối Bản Mười hiền hòa ngày nào giờ đã bị dòng lũ cuốn hung hãn xé toạc ra hàng trăm mét.
 
Những người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng khi vào sáng 20/7, lũ quét đổ về thôn Bản Mười mang theo một khối lượng lớn đất cát đã cuốn bay nhiều nhà dân và khiến giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt. Nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả và nhanh chóng nối lại giao thông để tiếp cận các xã Sùng Đô, Nậm Mười được đặt lên hàng đầu. Hàng trăm bộ đội, dân quân, đoàn viên thanh niên và phương tiện máy móc liên tục dầm mưa nhiều giờ để giành lại từng mét đường.

Sau khi vượt hơn 7 km đường vừa được các lực lượng khắc phục, chúng tôi rẽ phải, ngược dốc tiến về trung tâm xã Sùng Đô. Đoạn đường 4 km lên xã thường ngày vốn đã gập ghềnh nay lại càng thêm khó khăn vì mưa lũ. Những điểm sạt lở nối tiếp nhau với khối lượng lớn khiến tuyến đường này bị hư hỏng nặng nề.
 
Phía trước, 2 chiếc máy xúc của Doanh nghiệp Thịnh Đạt được bố trí hỗ trợ khôi phục giao thông từ khi xảy ra mưa bão vẫn đang làm việc hết công suất. Cũng từ khu vực này, chúng tôi phải mất hơn 1 giờ đi bộ mới đến được trung tâm xã Sùng Đô. Ở phía này, 1 máy xúc do xã huy động cũng đang tất bật san, gạt các điểm sạt lở.
 
Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô không giấu được vẻ buồn bã, mệt mỏi: "Toàn xã có 1 người chết, 7 người bị thương, 12 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hệ thống điện, đường, thông tin liên lạc bị thiệt hại, chia cắt. Ngoài tuyến đường đến trung tâm xã thì các tuyến đường liên thôn cũng bị sạt lở nghiêm trọng; trong đó, thôn Nà Nội, Giàng Pằng vẫn đang bị cô lập. Hiện nay, xã đã huy động được 1 máy xúc tổ chức san gạt tuyến đường liên xã, 1 máy tổ chức san gạt đường đi thôn Nà Nọi”.
 


Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục trên tuyến đường liên xã Sùng Đô - Nậm Mười.

Rời Sùng Đô, chúng tôi đến trung tâm xã Nậm Mười. Tại điểm sạt khu vực Khe Ếch, chiếc máy xúc của Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái đang liên tục hót, gạt phần bùn đất trên nền đường. Anh Hiếu, công nhân lái máy xúc tranh thủ nghỉ giải lao cho biết: "Tôi được Công ty huy động lên đây từ ngày 20/7 để tham gia khắc phục giao thông trên tuyến đường này. Ngày nào máy cũng hoạt động hết công suất, nhưng do khối lượng sạt lở lớn kèm mưa nên gặp nhiều khó khăn”.
 
Càng tiến vào sâu, sự phá hoại của thiên tai càng khốc liệt. Những vết sạt lở kéo dài từ đỉnh núi mang theo hàng nghìn mét khối đất đá trút xuống khiến cho các tuyến đường gần như biến mất; trong đó, có nhiều điểm sạt kéo dài từ 100 - 300 m với khối lượng vài chục nghìn mét khối. Chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mười Đặng Kim Thọ khi ông đang xắn quần, đi bộ về trung tâm xã.
 
Ông buồn bã cho biết: "Sau lũ, gần như 8 thôn đều bị cô lập, nhất là đường đến trung tâm xã bị sạt lở, sụt lún với khối lượng lớn nên tôi cũng chưa thể tiếp cận được. Hiện nay, ngoài các máy của ngành giao thông thì xã cũng đã chủ động huy động 1 máy xúc của dân để khôi phục giao thông trên tuyến liên thôn Làng Cò - Bó Siu”.

Theo ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, cùng với Sùng Đô, Nậm Mười thì xã An Lương cũng là địa phương bị chia cắt nhiều ngày qua. Mưa lũ đã khiến cho con đường qua khu vực Cổng  Trời bị sụt lún và cô lập hoàn toàn địa phương này.
 
Công tác cứu trợ, khắc phục thiên tai gặp nhiều khó khăn. Huyện đã thành lập một đoàn công tác túc trực tại khu vực này để triển khai các giải pháp khắc phục. Trước mắt, huyện Văn Chấn phối hợp với ngành giao thông vận tải (GTVT) cố gắng khắc phục để cho xe máy và người đi bộ có thể lưu thông đến nơi bị cô lập để thực hiện cứu trợ.

Cùng với sự chủ động của huyện Văn Chấn, các lực lượng khác như: Sư đoàn 316, ngành GTVT cũng huy động các phương tiện, máy móc tham gia khôi phục các tuyến đường giao thông dẫn vào các xã bị cô lập.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT cho biết: thực hiện sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành GTVT đã thành lập một tổ công tác túc trực tại tuyến liên xã: Sùng Đô, Nậm Mười do một đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp chỉ huy. Ngoài ra, ngành GTVT đã huy động các doanh nghiệp, lực lượng, phương tiện thiết bị khắc phục trên các tuyến.
 
Đến 18 giờ, ngày 23/7, tuyến Sùng Đô đã khắc phục xong các điểm sạt lở và thông tuyến lên trung tâm xã. Còn đối với tuyến Nậm Mười bị chia cắt, gãy đứt, ngành chỉ đạo đơn vị tư vấn phương án khắc phục.
 
Trước mắt, có thể sử dụng các phương án cầu tạm cho xe máy và người dân đi bộ để phục vụ cho vận chuyển hàng hóa và nhu yếu phẩm ổn định cuộc sống. Đối với tuyến An Lương bị chia cắt, ách tắc, ngành GTVT tiếp tục phối hợp với địa phương khảo sát, lên phương án, bảo đảm cho xe máy đi lại sớm nhất. Về lâu dài, nghiên cứu phương án cho các phương tiện đi lại bình thường. 

Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương nên công tác khôi phục giao thông, tiếp cận các xã bị cô lập đã có nhiều chuyển biến. Từ việc khôi phục giao thông ở thôn Bản Mười, xã Sơn Lương, đến hết ngày 23/7, tuyến Sùng Đô đã được khơi thông đến trung tâm xã- tuyến liên thôn Làng Cò - Bó Sưu, xã Nậm Mười cơ bản được khắc phục, tạo điều kiện cho các lực lượng cứu hộ vận chuyển lương thực cứu trợ đến người dân.

Cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thông tuyến đường đến trung tâm các thôn, bản và các xã đang bị cô lập, song với khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến đường rất lớn và trên phạm vi rộng; hệ thống điện, thông tin liên lạc tại các xã cũng đang bị gián đoạn nên công tác khắc phục gặp không ít khó khăn.

Nhóm phóng viên kinh tế

Các tin khác
Viettel triển khai ứng cứu mạng lưới tại Phú Thọ sau khi lũ đi qua.

Bộ Thông tin- Truyền thông (TT&TT) yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai hệ thống, sẵn sàng nhắn tin cảnh báo thiên tai khi có yêu cầu. Trong đó, có phương án nhắn tin theo vị trí để đảm bảo người dân trong khu vực địa lý bị ảnh hưởng của thiên tai nhận được tin nhắn cảnh báo.

Đồng chí Nhuyễn Đình Chiến (bên trái) - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ cho hộ anh Lương Tiến Sĩ ở thôn Núi Vì, xã Hưng Khánh bị sập nhà hoàn toàn.

YBĐT - Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình công cộng trên địa bàn huyện Trấn Yên. 37,240 tỷ đồng là tổng thiệt hại của toàn huyện theo ước tính.

Anh minh họa.

YBĐT - Năm 2018, tỉnh Yên Bái có kế hoạch thu ngân sách từ tiền sử dụng đất phấn đấu là 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết 6 tháng đầu năm toàn tỉnh mới thu đạt 275,5 tỷ đồng, bằng 55% dự toán pháp lệnh nhưng dự toán phấn đấu chỉ đạt 32%.

YBĐT - Chiều 23/7, đồng chí Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái đã đến hiện trường kiểm tra công tác khắc phục giao thông tại tuyến đường liên xã Nậm Mười, Sùng Đô, huyện Văn Chấn (ảnh dưới).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục