Để loại hình du lịch homestay (du lịch nghỉ nhà dân) khu vực Đông hồ Thác Bà phát triển theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của người dân cũng như khắc phục hạn chế và điều chỉnh hoạt động du lịch homestay đúng hướng, phát huy tối đa lợi ích từ hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Đông hồ Thác Bà, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn Phòng UBND tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề tài khoa học "Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả loại hình du lịch nghỉ nhà dân tại vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.
Thạc sĩ Vũ Thị Hiền Hạnh - nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: "Ngay sau khi Đề tài được UBND tỉnh phê duyệt, tháng 11/2016, Chủ nhiệm Đề tài cùng Nhóm thực hiện Đề tài đã triển khai các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp thu thập và xử lý tài liệu, số liệu; phương pháp khảo sát thực địa; phương pháp quan sát; phương pháp bảng hỏi; phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp phân tích tổng hợp; điều tra, xử lý kết quả điều tra xã hội học; phân tích thực trạng và nhu cầu phát triển loại hình du lịch nghỉ nhà dân và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch nghỉ nhà dân tại vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình...”.
Từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017, Nhóm thực hiện Đề tài đã triển khai nội dung và các phương pháp nghiên cứu hoạt động du lịch của các xã: Xuân Lai, Vũ Linh, Phúc An thuộc vùng Đông hồ Thác Bà. Tiến hành khảo sát thực địa được 3 đợt tại các xã phát triển du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà gồm: Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai và Yên Thành, huyện Yên Bình.
Tiến hành phương pháp quan sát tại nhà của ông Tướng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, trong khoảng thời gian hai ngày, một đêm và nhà ông Tướng Văn Thành ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An, trong khoảng thời gian hai ngày, một đêm.
Tiến hành phương pháp bảng hỏi: Nhóm đã thực hiện phương pháp này thông qua việc thiết kế 2 loại bảng hỏi với 2 đối tượng là khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đi theo loại hình du lịch homestay ở tỉnh Yên Bái với mục đích là nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của khách du lịch đến Yên Bái và những nhận xét, đánh giá của khách tham gia hoạt động du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà.
Đối với phiếu điều tra dành cho khách du lịch đến tham quan du lịch vùng hồ Thác Bà, Đề tài xây dựng 13 câu hỏi, tiến hành điều tra 300 khách du lịch (trong đó có 50 khách du lịch quốc tế, 250 khách du lịch Việt Nam).
Tiến hành phương pháp phỏng vấn sâu gồm: 19 cuộc phỏng vấn người dân địa phương đang kinh doanh homestay, để tìm hiểu về phương thức tổ chức kinh doanh, tình hình kinh doanh và những nguyện vọng của người dân; 10 cuộc phỏng vấn khách du lịch tham gia chương trình du lịch homestay thuộc vùng Đông hồ Thác Bà; 10 cuộc phỏng vấn lãnh đạo chính quyền địa phương một số xã vùng Đông hồ Thác Bà...
Thực hiện điều tra 814 phiếu (300 phiếu điều tra khách du lịch, 385 phiếu điều tra người dân, 110 phiếu chính quyền địa phương, 19 phiếu cộng đồng địa phương đang tham gia du lịch homestay). Sau khi triển khai các phương pháp nghiên cứu, Nhóm đã phân tích thực trạng và nhu cầu phát triển loại hình du lịch nghỉ nhà dân tại vùng Đông hồ Thác Bà dưới 4 góc độ của 4 bên liên quan bao gồm: cộng đồng địa phương đang, sẽ tham gia (Host Community), khách du lịch (Visitors), cấp lãnh đạo địa phương (Local Public Administrations).
Kết quả 19 phiếu trả lời từ người dân đang tham gia vào hoạt động du lịch nghỉ nhà dân tại 3 xã Phúc An, Xuân Lai, Vũ Linh thuộc vùng đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình cho thấy: về nghề nghiệp, đa số người dân được khảo sát làm nghề nông và đánh bắt tôm, cá trên hồ chiếm 89,5%; kinh doanh, buôn bán chiếm tỷ lệ 10,5%.
Nhìn chung, các hộ gia đình tham gia du lịch đều thuộc diện có mức sống trung bình, trong đó mức thu nhập trung bình của hộ gia đình ông Tướng Văn Bội hiện nay là cao nhất đạt hơn 10 triệu đồng/ tháng; hộ ông Tướng Văn Thành, thôn Đồng Tý và Tướng Văn Ba, thôn Ngòi Tu thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng; 8 hộ gia đình khác tại thôn Ngòi Tu, có mức thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng, còn lại là 8 hộ gia đình có mức thu nhập thấp nhất dưới 3 triệu đồng/ tháng.
Khi tham gia hoạt động du lịch homestay người dân gặp phải một số khó khăn như: chưa có kinh nghiệm về cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ (100%), không đủ cơ sở vật chất (94,7%), không đủ khả năng tài chính (89,5%); hạn chế về giao tiếp với khách nước ngoài do hạn chế về ngoại ngữ (89,5%).
Hầu hết các hộ dân được phỏng vấn đều trả lời chưa biết giao tiếp với khách du lịch nước ngoài bằng ngôn ngữ thông dụng nhất là tiếng Anh (94,4%), chỉ có (5,6%) có thể giao tiếp với du khách quốc tế. Đây là một trong những hạn chế lớn trong việc phục vụ khách du lịch quốc tế của hộ dân kinh doanh du lịch homestay vùng Đông hồ Thác Bà.
Theo kết quả điều tra của Đề tài, gần 60% câu trả lời rằng trong thời gian hoạt động du lịch chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền tỉnh, địa phương (đầu tư, hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất hay quảng bá, giới thiệu…); trong các sự kiện du lịch tổ chức tại tỉnh hoặc các sự kiện trên cả nước, nước ngoài; hoặc nếu có hỗ trợ nhưng còn rất hạn chế...
Du khách quốc tế tham gia trải nghiệm đan rọ tôm cùng các hộ dân làm du lịch homestay ở Phúc An.
Song với những lợi ích đem lại từ hoạt động du lịch cho nền kinh tế địa phương, cho cộng đồng thì những người dân tham gia trả lời bảng hỏi đều muốn tiếp tục kinh doanh homestay ở vùng Đông hồ Thác Bà (94,7%).
Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn có sự quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn sát sao hơn từ các cấp quản lý địa phương để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa...
Thực tế, lượng khách du lịch đến vùng Đông hồ Thác Bà giai đoạn 2012 - 2016 đã tăng khá nhanh. Năm 2012, đạt 22.800 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2.800 lượt, còn lại là khách nội địa; tổng doanh thu đạt 12,4 tỷ đồng. Năm 2016, đã đạt 30.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 5.090 lượt, còn lại là khách nội địa; tổng doanh thu đạt 18 tỷ đồng...
Đây là khoản thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ dân và các doanh nghiệp làm du lịch ở vùng Đông hồ Thác Bà.
Từ các chiến lược kết hợp phân tích những thuận lợi, khó khăn, xét ở góc độ chính quyền địa phương, Đề tài đưa ra các nhóm giải pháp phát triển du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình.
Đó là, các ngành chức năng của tỉnh, huyện Yên Bình, chính quyền các xã, thị trấn cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý loại hình du lịch homestay; tỉnh, huyện Yên Bình cần có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ các hộ dân và doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà; huyện cần có những biện pháp bảo tồn và tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở địa phương; đào tạo chuyên môn và nâng cao nhận thức của người dân; quảng bá hình ảnh và liên kết phát triển du lịch...
Về phía doanh nghiệp du lịch cần tăng cường quảng bá du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà và chia sẻ công bằng lợi ích cho các bên tham gia; xây dựng sản phẩm du lịch homestay đa dạng, độc đáo; xây dựng các chương trình du lịch, các tour du lịch, những sản phẩm du lịch mới...
Về phía người dân địa phương, cần phải bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch và những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc; bảo vệ môi trường tự nhiên; tổ chức làng sản xuất các mặt hàng thủ công, lưu niệm cho khách du lịch là một biện pháp tăng nguồn thu cho người dân, đồng thời phát huy các giá trị truyền thống địa phương; tổ chức cho dân cư địa phương tham gia vào các dịch vụ như: vận chuyển khách, cho thuê phương tiện tham quan như: xe đạp, hướng dẫn khách tham quan đảo trên hồ, phục vụ ăn uống... tạo môi trường an ninh, an toàn cho khách.
Để du lịch homestay tại vùng Đông hồ Thác Bà phát triển nhanh, bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Yên Bình, Đề tài cũng kiến nghị, UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp quy, tạo dựng hành lang pháp lý cho phát triển du lịch vùng Đông hồ Thác Bà nói chung và quan tâm đến việc phát triển du lịch huyện Yên Bình nói riêng.
Bao gồm: chính sách thu hút đầu tư, chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng; chính sách quản lý tài nguyên du lịch; định hướng phân vùng chức năng, quản lý tốt các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh và các điểm tập trung tài nguyên du lịch; tiếp tục cho xây dựng quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cao Minh