Những công trình nước sạch đang... bỏ hoang

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/7/2018 | 1:49:52 PM

YBĐT - Nguồn lực trên 50 tỷ đồng đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Lục Yên những năm qua là con số không hề nhỏ. Thế nhưng, từ lâu nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã xuống cấp nghiêm trọng.


Bảo đảm nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực trên 50 tỷ đồng đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Lục Yên những năm qua là con số không hề nhỏ. Thế nhưng, từ lâu nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động ở mức cầm chừng. Trong số đó, có những công trình vốn đầu tư tới vài tỷ đồng cũng trong tình trạng "đắp chiếu” bỏ không, gây lãng phí,  trong khi người dân không có nước sinh hoạt để dùng.

Chúng tôi về Minh Tiến, một xã vùng khó khăn của huyện Lục Yên tìm hiểu việc đưa các công trình nước sinh hoạt đầu tư phục vụ đồng bào dân tộc Tày, Nùng trong vùng. Tận mắt chứng kiến công trình nước sạch có giá trị lên tới cả tỷ đồng nhưng không có nước từ đầu nguồn dẫn về; bể chứa nước đầu nguồn có dung tích lớn trơ cạn…, không khỏi băn khoăn. Hệ thống đường ống cấp nước tới từng hộ dân cũng tan hoang, không thể sử dụng được.
 
Ông Triệu Ngọc Đương - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: "Từ năm 1999 đến 2013, xã Minh Tiến được đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn: Làng Mang, Khuôn Chủ, Thôn Trang. Nhưng 3 trong số 5 công trình này giờ đây đang bị bỏ hoang, hệ thống đường ống bị vỡ phải bọc vá chằng chịt bằng dây cao-su, bể nước bị cỏ hoang vùi lấp”.

Được đưa vào sử dụng từ năm 2014, công trình nước sinh hoạt Tốc Kiềng của xã giờ "đắp chiếu” bỏ không. Công trình này theo dự toán đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng, cung cấp cho khoảng 154 hộ dân các thôn Tồng Táng, Làng Quỵ, Khuôn Pục. Thế nhưng, công trình cấp nước này chỉ sử dụng được vài tháng, đến nay, ngừng hoạt động hẳn, niềm vui sướng có công trình nước sạch theo đó thay bằng những bức xúc.
 
Bà Mông Thị Lợi - người dân thôn Khuôn Pục không giấu nỗi thất vọng: "Từ khi được đầu tư vòi nước, gia đình tôi chưa được sử dụng một chút nước nào cả, gia đình phải xin nước của hàng xóm về để dùng”.
 
Thêm một trong những công trình có giá trị lớn nhưng vừa mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã bị bỏ không từ đó, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, đó là công trình cấp nước sinh hoạt Loong Co Cại, xã Minh Xuân. Công trình này được đầu tư từ năm 2011 với trị giá hơn 1,2 tỷ đồng trên khu tái định cư thuộc thôn 15, có thiết kế phục vụ cho 43 hộ dân. Nhưng chỉ sau vài tháng đi vào hoạt động, do không có người ở nên 7 năm nay, công trình cấp nước sinh hoạt Loong Co Cại trong tình trạng bỏ hoang, nước không có, tại các trụ vòi, cỏ mọc um tùm.
 
Bà Hoàng Thị Quy - thôn 15, xã Minh Xuân chia sẻ: "Từ khi chuyển ra đây sinh sống được hơn 2 năm, tôi chỉ được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình này  khoảng 2 tháng. Gia đình phải đầu tư với chi phí lớn để mua dây điện, đường ống, rất tốn kém, nhưng sử dụng vẫn không hiệu quả”.

Qua thống kê, hiện nay, toàn huyện Lục Yên có tổng số 48 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 19 xã, thị trấn với tổng trị giá trên 58 tỷ đồng. Các công trình có thiết kế phục vụ cho khoảng gần 7 nghìn hộ dân. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế chỉ đáp ứng cho trên 1.700 hộ. Cho đến nay, toàn huyện chỉ còn 5 công trình hoạt động bền vững, 10 công trình hoạt động trung bình, 33 công trình hoạt động kém hiệu quả và không còn hoạt động.
 
Điều đáng nói, nhiều công trình có tổng nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hoạt động không hiệu quả như: công trình Tốc Kiềng, xã Minh Tiến trị giá trên 3,2 tỷ đồng; công trình Loong Co Cại, xã Minh Xuân trên 1,2 tỷ đồng; công trình Khe Rùng, xã Khai Trung hơn 1,3 tỷ đồng; công trình Đá Mai, xã Tô Mậu hơn 2,2 tỷ đồng…
 
Nói về nguyên nhân cũng như khó khăn trong công tác khắc phục các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã trên địa bàn huyện hiện nay, ông Tăng Kết Dư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho rằng: "Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên thực tế sẽ rất nhiều khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư, kinh phí hạn hẹp. Thêm vào đó, sự tác động của khí hậu, công tác quản lý, vận hành còn yếu cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không cao…”.

58 tỷ đồng đầu tư cho các công trình cấp nước nước sạch tập trung trên địa bàn huyện Lục Yên thực tế chỉ đáp ứng được cho trên 1.700 hộ - đó có phải là một sự lãng phí lớn? Nghịch lý người dân sống bên cạnh các công trình cấp nước sinh hoạt nhưng lại không có nước để dùng, trong khi chính họ cũng phải tự đầu tư với chi phí không nhỏ những mong cải thiện chất lượng nước sinh hoạt – đây cũng chính là mục tiêu đầy tính nhân văn mà nguồn lực Nhà nước dành sự quan tâm ưu tiên đầu tư cho người dân vùng nông thôn hướng tới.
 
Nói về nguyên nhân cũng như khó khăn trong công tác khắc phục các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã trên địa bàn huyện hiện nay, ông Tăng Kết Dư cho biết thêm: "Việc sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên thực tế rất khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư, kinh phí hạn hẹp. Thêm vào đó, sự tác động của khí hậu, công tác quản lý, vận hành còn yếu cũng là những yếu tố hạn chế hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt”.

Thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt đầu tư tiền tỷ nhưng không hiệu quả, không chỉ có ở Lục Yên mà là thực trạng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
 
Thiết nghĩ, để sớm khắc phục tình trạng này, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả người dân. Có vậy, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn mới mong đạt được hiệu quả thực chất, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường cho người dân vùng nông thôn - một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đối với các xã miền núi đặc thù, nơi mà nguồn nước sạch khan hiếm.

Minh Quốc

Các tin khác
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị chạy thử trên toàn tuyến.

Ban quản lý tàu điện Cát Linh - Hà Đông khuyến cáo người dân không xâm nhập vào công trường khi dự án chuẩn bị chạy thử.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện hiệu quả và chất lượng 3 nội dung liên quan cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

YBĐT - Tổng nguồn vốn huy động của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến 31/7/2018 là 22.350 tỷ đồng, tăng 11,11%.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Trạm Tấu trao đổi công tác thu ngân sách năm 2018.

YBĐT - Chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 của huyện là 53,5 tỷ đồng; trong đó, thu cân đối là 42,5 tỷ đồng và thu tiền giao đất là 11 tỷ đồng, tăng 30,8% so với dự toán pháp lệnh và tăng 44% so với năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục