Rau an toàn, cam VietGAP khó đầu ra
Hơn 20 năm làm nghề trồng rau, ông Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Đầm Vông, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái hiểu hơn ai hết nỗi lo của những người làm nông nghiệp khi sản phẩm làm ra bị rơi vào tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Bởi vậy, năm 2017, thành phố Yên Bái triển khai Đề án "Sản xuất rau an toàn” tại xã nhằm tạo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe, cải thiện môi trường sinh thái đồng thời, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, nên ông Hùng đã mạnh dạn tham gia.
Trồng rau theo quy trình VietGAP đòi hỏi ông Hùng tốn công gấp nhiều lần so với trồng rau thông thường. Tất cả các quy trình từ khâu làm đất, lựa chọn cây giống cho tới kỹ thuật chăm sóc từng loại cây đều phải thực hiện một cách khoa học theo đúng tiêu chuẩn mà Đề án đề ra như: an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người, không trồng trên vùng đất ô nhiễm, không dùng phân tươi, nước giải tưới cho rau...
Quá trình chăm sóc cẩn thận, vất vả là thế, nhưng rau an toàn lại khó bán trên thị trường. Ông Hùng chia sẻ: "Để tìm đầu ra cho rau an toàn, tôi và một số hộ trong thôn đã thành lập Tổ hợp tác xã rau an toàn và đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã đi giới thiệu sản phẩm ở một số nơi và cung cấp rau cho một số cửa hàng bán rau sạch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của các cửa hàng thấp, chưa đạt 100 kg/ngày; trong khi đó, bình quân mỗi hộ sản xuất rau cho sản lượng khoảng gần 2 tạ/ngày. Vì thế, rau của Tổ hợp tác vẫn chủ yếu bán cho thương lái bán lẻ ra thị trường, còn những đơn đặt hàng lớn của một số siêu thị, nhà máy thì chúng tôi không đáp ứng đủ về số lượng để cung cấp lâu dài nên đành bỏ lỡ cơ hội”.
Hiện tại, xã Âu Lâu có hơn 20 hộ tham gia Đề án trồng rau an toàn với diện tích gần 4 ha, năng suất trung bình của 3 vụ trong năm đạt 16 tấn/ha/vụ. Về cơ bản, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn vẫn là thị trường bán lẻ với giá bán không cao hơn so với sản phẩm rau trồng theo phương pháp thông thường là mấy.
Khó khăn trong đầu ra, tương tự như trồng rau an toàn ở xã Âu Lâu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn có trên 400 ha cam, sản lượng cam của toàn xã trung bình đạt 6.100 tấn/năm, hàng năm đem về nguồn thu khoảng 100 tỷ đồng. Năm 2015, xã chọn 5 hộ với 6,4 ha diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Song, sau 3 năm triển khai, số hộ trồng cam theo quy trình này mới tăng lên gần 20 hộ với diện tích hơn 16 ha, nguyên nhân chính là do đầu ra còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Nhiệm - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La cho biết: "Việc áp dụng quy trình trồng cam VietGAP không khó, bởi hầu hết các hộ trồng cam ở đây từ lâu đã đặt mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Tuy nhiên, cam VietGAP mẫu mã không đẹp bằng cam thông thường nên thị trường vẫn "kén” và giá bán loại cam này chưa có sự "đột phá”, trong khi chi phí chăm sóc lại tốn hơn; do đó, mà người trồng cam chưa mấy mặn mà”.
Cần nhân rộng cách làm hay trong tiêu thụ nông sản
Tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, song song với hình thành chuỗi liên kết bền vững chính là giải pháp mà một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm và bước đầu đạt được những thành công nhất định trong việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.
Xã Đào Thịnh - một trong những địa phương có diện tích quế lớn nhất, nhì của huyện Trấn Yên với tổng diện tích hơn 800 ha quế, sản lượng quế tươi trung bình mỗi năm đạt hơn 450 tấn. Năm 2017, được giúp sức từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các hộ dân trồng quế trên địa bàn xã Đào Thịnh đã liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex thành lập Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam với hơn 20 thành viên tham gia. HTX đã xây dựng quy trình vùng sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị kinh tế cao, đồng thời cung cấp cây quế giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân xã Đào Thịnh và một số xã lân cận.
Hiện, HTX Quế hồi Việt Nam có gần 100 ha quế, sản lượng thu mua từ 50 -100 tấn quế/tháng. Các sản phẩm của HTX như: quế "điếu thuốc”, quế ống điếu, quế tăm, bột quế, tinh dầu quế đã được xuất khẩu đi Ấn Độ, các nước Trung Đông. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ là một số thị trường cao cấp hơn như: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đóng gói nhãn hiệu sản phẩm miến để đưa ra thị trường.
Ông Ninh Xuân Trường - thành viên HTX Quế hồi Việt Nam cho biết: "Từ khi tham gia HTX, các hộ trồng quế đã không còn lo về giá cả và đầu ra cho cây quế. Bởi vậy, gia đình cũng phấn khởi, hăng hái tích cực trồng và chăm sóc quế”. Cây quế đã được nâng tầm và ngày càng mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Có được điều này, một phần chính nhờ sự đóng góp không nhỏ của chính quyền địa phương trong việc thường xuyên kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để tạo mối liên kết "4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp).
Cũng là một mặt hàng nông sản có đầu ra ổn định, sản phẩm miến đao được bà con xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất từ khoảng hơn 40 năm về trước. Tuy nhiên, việc sản xuất miến chủ yếu theo mô hình tự phát, nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, vì thế mà thu nhập cũng chưa tương xứng. Để tháo gỡ khó khăn này, năm 2015, Hợp tác xã Miến đao Giới Phiên được thành lập với sự tham gia của gần 20 hộ dân, bước đầu sản xuất miến theo bộ tiêu chuẩn của Cục Sở hữu trí tuệ và ưu tiên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, để nâng cao năng suất, chính quyền thành phố Yên Bái đã xây dựng một số chính sách để hỗ trợ bà con làm nghề. Điển hình là Đề án "Phát triển nghề và mở rộng làng nghề sản xuất miến xã Giới Phiên và Phúc Lộc giai đoạn 2014 - 2016” và các chính sách hỗ trợ thiết bị, máy móc. Nhờ đó, hơn 40 hộ dân của xã Giới Phiên được hỗ trợ máy ép miến bán tự động và 9 hộ được hỗ trợ máy ép miến thủy lực.
Sau khi sử dụng máy móc vào sản xuất và áp dụng mô hình làm miến kiểu mới, các hộ làm miến sản xuất tăng gấp nhiều lần so với quy trình làm miến thủ công. Trung bình mỗi năm, xã miến đao Giới Phiên cung ứng ra thị trường khoảng 600 - 800 tấn miến, góp phần tạo việc làm và thu về lợi nhuận vài chục tỷ đồng cho người dân địa phương.
Thực tế cho thấy, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ nông sản cho nông dân như: vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả có múi, vùng chè, vùng tre măng Bát độ, vùng quế...
Một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã tiếp cận được với thị trường nước ngoài như tinh bột sắn, các sản phẩm gỗ. Các sản phẩm như: gạo nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng đã được đưa vào bán ở một số siêu thị trong nước.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng được tỉnh quan tâm như: hỗ trợ thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, mở các hội chợ quảng bá sản phẩm; tổ chức lễ hội bưởi Đại Minh, quế Văn Yên...
Những hoạt động này, đã góp phần mở rộng đầu ra cho các sản phẩm nông sản của Yên Bái. Song, so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh cũng như xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay thì vấn đề đầu ra cho nông sản của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.
Hồng Oanh - Thanh Huyền