Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia: Cần bố trí đủ vốn

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2018 | 8:01:27 AM

YBĐT - Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực ngòi Thia là một trong những công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh Yên Bái. Các hạng mục bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhất là trong trận lũ ngày 20/7 vừa qua. Tuy nhiên, tại các vị trí chưa được đầu tư vẫn còn đó nhiều nỗi lo...

Liên danh Công ty TNHH một thành viên Minh Đăng - Công ty TNHH Xây dựng Sơn Tùng đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu số 6.
Liên danh Công ty TNHH một thành viên Minh Đăng - Công ty TNHH Xây dựng Sơn Tùng đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu số 6.


Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực ngòi Thia là một trong những công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh Yên Bái. Sau hơn 4 tháng triển khai thi công, đến nay hầu hết các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của Dự án đều đạt tiến độ 95%. Nhờ đó, các hạng mục bước đầu đã phát huy được hiệu quả, góp phần bảo vệ các khu vực dân cư, diện tích đất sản xuất, nhất là trong trận lũ ngày 20/7 vừa qua. Tuy nhiên, tại các vị trí chưa được đầu tư vẫn còn đó nhiều nỗi lo...

Không còn nỗi lo sạt lở

Chúng tôi có mặt tại khu vực suối Thia, thuộc địa phận thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn khi công nhân đang "chạy đua” với thời gian để hoàn thành đường bê tông đỉnh kè cùng các hạng mục phụ trợ khác thuộc giai đoạn 1 của Dự án. Hơn 300 m kè đã được gia cố, xây dựng tạo thành một vành đai vững chắc bảo vệ nhà cửa, tài sản của hàng trăm hộ dân nơi đây.
 
Lại nhớ, trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10 năm trước, đã khiến 2.070 m kè suối Thia bị sạt lở, hư hỏng, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, sạt lở; trong đó, riêng khu vực này có tới hàng chục ngôi nhà bị xói mất sân, tường, nằm chênh vênh bên bờ suối buộc phải di dời.
 
Anh Cầm Ngọc Thu - chủ khách sạn Hùng Khánh cho biết: "Năm ngoái, lũ xói vào đến gần móng nhà, nguy cơ khách sạn bị sập đổ là rất lớn. Để đảm bảo an toàn, gia đình đã phải di chuyển tài sản và đi ở chỗ khác. Bây giờ, Nhà nước đầu tư xây kè kiên cố nên tôi cùng bà con ở đây rất yên tâm và mong muốn kè sớm hoàn thành để người dân có thể an tâm trong mùa mưa bão năm nay”. 

Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực ngòi Thia được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 27/QĐ -UBND ngày 9/1/2018 với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I được triển khai thi công trong năm 2018 để xử lý khắc phục 5 vị trí cấp bách trên suối Thia và suối Nung tại khu vực tổ 1 và tổ 5 phường Cầu Thia, khu vực thôn Sang Hán, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ và khu vực thôn Cầu Thia, xã Phù Nham và khu vực thôn Viềng Công xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; 2 vị trí sạt lở cấp bách trên suối Nung thuộc khu vực tổ 2, tổ 22, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ; cải tạo lòng dẫn suối Thia và hộ chân kè tại các vị trí xung yếu đã xuất hiện hư hỏng; xây dựng 15 điểm khóa các vị trí kè hư hỏng chưa thể khắc phục tại suối Thia và suối Nung.
 
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái thì đây là một trong những công trình cấp bách của tỉnh. Vì vậy, chủ đầu tư luôn bám sát công trình, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình trước mùa mưa năm nay để bảo vệ an toàn cho khu dân cư và hạ tầng kỹ thuật xung quanh.
 
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của các nhà thầu, các gói thầu đã triển khai hoàn thành các hạng mục vượt lũ tiểu mãn trước ngày 15/5/2018. Đến nay, khối lượng triển khai hoàn thành đạt khoảng 95% giá trị hợp đồng. Trong đó, đã hoàn thành 100% hạng mục hộ chân các đoạn kè xung yếu có nguy cơ mất an toàn; hoàn thành 100% đào, đắp tạo lòng dẫn khoảng 8.000 m.
 
Đối với các vị trí kè kiên cố, đã hoàn thành toàn bộ hạng mục móng kè, mái kè, đang hoàn thiện đường bê tông đỉnh kè, các hạng mục phụ trợ khác. Hiện nay, các nhà thầu đang chạy đua với thời gian để hoàn thành toàn bộ các hạng mục thuộc giai đoạn I của dự án trong quý III năm 2018. Từ khi các vị trí kè xung yếu được đầu tư xây dựng, hàng trăm hộ dân sống dọc suối Thia, suối Nung vô cùng phấn khởi.
 
Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng thôn Cầu Thia, xã Phù Nham huyện Văn Chấn cho biết: "Nhà ở, đất sản xuất của 120 hộ dân thôn Cầu Thia cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng, bị thiệt hại nếu như dự án chỉnh trị tổng thể kè suối Thia không được thi công ngay. Nay, kè được xây dựng kiên cố, người dân chúng tôi không còn nỗi lo sạt lở mỗi khi mưa lũ ập về”.
 
Yêu cầu cấp bách

Hiệu quả mang lại từ Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực ngòi Thia sau mưa lũ do cơn bão số 3 vừa qua là khá rõ. Các gói thầu đạt tiến độ về trước lũ tiểu mãn đều phát huy được hiệu quả, tình trạng sạt lở, xói mòn hai bên bờ không còn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại các vị trí sạt lở đã được đề cập trong Dự án do thiếu nguồn lực chưa được đầu tư xây dựng sau mưa lũ tiếp tục có những diễn biến sạt lở, xâm thực vào bờ nguy cơ lớn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đất canh tác của các hộ dân sống dọc hai bên bờ suối.
 
 

Nhiều thửa ruộng bị sạt lở sau trận lũ ngày 20/7 có nguy cơ tiếp tục sạt lở. 

Đi dọc suối Nung qua địa bàn phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi thấy hàng trăm mét kè tiếp tục bị sạt lở. Tại khu vực tổ 3, đoạn kè bờ trái, sau lũ đã sạt lở thêm khoảng 100 m kè kiên cố. Còn ở phía bờ phải, lũ về xói vào sau bờ kè hơn 30 mét, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 5 ha đất nông nghiệp của người dân. Nhiều thửa ruộng trước kia nằm cách suối cả trăm mét, giờ đã ở mép suối, có nguy cơ bị xóa sổ.
 
Bà Trần Thị Bắp, tổ 3, phường Pú Trạng cho biết: "Tình trạng sạt lở ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng, mấy hôm trước mưa lũ về gia đình tôi không dám chợp mắt. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì nguy cơ cả cánh đồng này cuốn theo dòng nước là rất cao”.
 
Ông Nguyễn Văn Mạnh - tổ trưởng Tổ dân phố 3, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Sau bão số 3, lũ lại tiếp tục khoét sâu vào trong. Vừa rồi thống kê, hơn 3.000 m2 ruộng của bà con bị sạt lở. Bà con chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền trước mắt nạo kênh khai thông để trả lại dòng chảy, nếu không chỉ đến tháng 11 năm nay e rằng ruộng ở đây bị sạt lở hết. Sau đó, là đầu tư xây dựng kè giúp người dân yên tâm sản xuất”. Ngoài ra, tại suối Ngòi Nhì, khu vực tràn Phù Nham, huyện Văn Chấn, phía bờ phải tiếp tục phát sinh sạt lở đất với chiều rộng khoảng 2 - 3 m, ảnh hưởng trực tiếp đến 30 hộ dân.

Có thể thấy, sau mỗi trận lũ thì lại có nhiều điểm kè bị xâm lấn, sạt lở kéo theo nỗi lo của hàng trăm hộ dân khi diện tích sản xuất bị mất, đời sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Do đó, để hạn chế diễn biến bất lợi khi lũ về, trước mắt, cấp thẩm quyền xem xét, cho phép triển khai ngay công tác đào lòng dẫn một số vị trí suối Nung để hướng dòng, hạn chế sạt lở 2 bờ.
 
Cùng với đó, cấp thẩm quyền cần xem xét bố trí vốn để triển khai giai đoạn 2 và hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án để phát huy hiệu quả tổng thể công tác chỉnh trị lưu vực suối Thia.

Văn Thông - Hùng Cường

Các tin khác
Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục