Yên Bái khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2018 | 8:08:45 AM

YBĐT - Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ của tỉnh Yên Bái đang căng mình, nỗ lực ổn định cuộc sống người dân và khôi phục sản xuất.

Nông dân xã Nga Quán, huyện Trấn Yên cấy dặm lúa mùa sau lũ.
Nông dân xã Nga Quán, huyện Trấn Yên cấy dặm lúa mùa sau lũ.

Không nằm trong tâm bão nhưng người dân Yên Bái nói chung và nhân dân các dân tộc các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình nói riêng phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề do hoàn lưu bão số 3: 17 người chết, 20 người bị thương; 1.612 nhà bị lũ cuốn trôi, bị sập và hư hỏng; trên 3.246 ha lúa, hoa màu và đất lâm nghiệp bị thiệt hại, hàng trăm công trình cầu đường, thủy lợi bị phá hỏng, ảnh hưởng.
 
Theo thống kê sơ bộ,  trên 458 ha lúa bị vùi lấp và cuốn trôi không thể khắc phục được (Trấn Yên 200 ha, Văn Chấn 157, 64 ha, thành phố Yên Bái 70 ha, Mù Cang Chải 25 ha...), 626 ha ngô, hoa màu, 471 ha cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả; trên 27.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; 423 công trình thủy lợi bị vùi lấp, hư hỏng...
 
Qua đó cho thấy, thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp là rất lớn cần phải có sự nỗ lực cao, cấp bách và đồng bộ mới hy vọng bảo đảm an ninh lương thực cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, nhất là 8 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp trong năm 2018.
 
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thiệt hại do bão lũ vừa qua và không dễ gì khắc phục trong một sớm, một chiều, cần sự nỗ lực vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Ngay sau bão lũ xảy ra, ngành nông nghiệp đã cùng các lực lượng vừa ứng phó vừa khắc phục thiệt hại. Ngành chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật để khôi phục sản xuất. Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi chuẩn bị gần 100 tấn giống lúa, ngô và vật nuôi đáp ứng nhu cầu cho nông dân; phối hợp với các địa phương rà soát các hệ thống tưới tiêu, hồ đập và có các phương án tiêu úng bảo đảm an toàn”.
 
Theo đó, các đơn vị trong ngành nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố và bà con nông dân đã khẩn trương bắt tay vào khôi phục đồng ruộng.
 
Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi đã cung ứng trên 2,5 tấn lúa giống Chiêm hương cho huyện Văn Yên gieo mạ và cấy trước 10/8. Huyện Trấn Yên thành lập các đoàn công tác của lãnh đạo huyện tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương và nhà bị sập đổ hoàn toàn, tổng kinh phí đã hỗ trợ trên 505 triệu đồng và 1,11 tấn gạo...
 
Song song với đó, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Tân Phú tổ chức kiểm tra đánh giá các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương bị thiệt hại, vùi lấp, tổ chức hót dọn bùn đất bồi lấp kênh mương đảm bảo phục vụ sản xuất kịp thời.
 
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và đề nghị sửa chữa những công trình thủy lợi, công trình nước sạch bị hư hỏng nặng. Các đơn vị trong khối nông nghiệp phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, phối hợp với UBND các xã hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm sóc lúa vụ mùa và cây màu vụ hè thu sau ngập úng; áp dụng các biện pháp vệ sinh hàng chục héc-ta đồng ruộng, cũng như chuẩn bị giống và tổ chức gieo cấy lại gần 100ha lúa mùa.
 
Đối với diện tích cây dâu bị ngập úng, hướng dẫn bà con nông dân khơi rãnh xung quanh ruộng, rãnh luống để thoát nước nhanh, đặc biệt đối với những diện tích đất thấp chuyển đổi từ đất lúa; tổ chức hàng trăm ngày công xới phá váng để đất được thông thoáng và tỉa cành tăm, cành bị gẫy rạp và vệ sinh ruộng, phòng trừ sâu bệnh để cây dâu sinh trưởng tốt.
 
Đối với diện tích bị đất đá vùi lấp phải cải tạo, không có khả năng khắc phục bằng gieo cấy lúa ngay trong vụ mùa 2018, hướng dẫn nhân dân cải tạo đồng ruộng chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp.

Việc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ đòi hỏi khẩn trương, liên tục để đảm bảo mùa vụ, đảm bảo lương thực, thu nhập cho người dân cũng là góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Do vậy, cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, nhất là nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Ngọc Trúc

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục