Khe Táu có A Dờ

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2018 | 8:01:25 AM

YBĐT - Anh Lù A Dờ - Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu, Trưởng nhóm người Mông tự quản, người có uy tín trong cộng đồng người Mông mới 34 tuổi đã làm được nhiều điều ý nghĩa như vận động đồng bào Mông tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, không du canh du cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu - Lù A Dờ (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng trao đổi với bà con người Mông trong thôn về kinh nghiệm canh tác lúa nước.
Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu - Lù A Dờ (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng trao đổi với bà con người Mông trong thôn về kinh nghiệm canh tác lúa nước.


Thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên tập trung các hộ đồng bào Mông di cư từ bản Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải sang định cư từ năm 1997.

Anh Lù A Dờ - Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu, Trưởng nhóm người Mông tự quản, người có uy tín trong cộng đồng người Mông mới 34 tuổi đã làm được nhiều điều ý nghĩa như vận động đồng bào Mông tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, không du canh du cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Từ trung tâm xã lên Khe Táu rồi đến tận nhà Bí thư Lù A Dờ có hơn 6 cây số nhưng mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi bởi đường dốc, toàn đá to. Ngôi nhà gỗ của anh tuy đơn sơ nhưng khá ngăn nắp. Bên cạnh bàn uống nước là một không gian riêng của Lù A Dờ với những bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Ngược dòng thời gian, anh Dờ kể: năm 1996, một nhóm người Mông di cư từ bản Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải sang đây.
 
Đến năm 1997, theo chủ trương của tỉnh, huyện Văn Yên đồng ý tiếp nhận, nhập hộ khẩu để họ được sinh sống tại xã Phong Dụ Thượng. Vậy là, 17 hộ người Mông chính thức nhập về thôn Khe Táu từ đó. Năm 2012, anh Dờ trở thành Bí thư Chi bộ rồi kiêm thêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Khe Táu.
 
Việc đầu tiên anh làm là kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xã cho phép các hộ dân khai hoang ruộng nước, mở đường đi lại. Tuy nhiên, mở đường thì dễ khi có sự giúp đỡ của xã cùng dân bản, còn khai hoang ruộng nước thì rất khó khăn, bởi người Mông chỉ quen làm nương rẫy. Mấy tháng trời vận động bà con rồi nhờ cả cán bộ xã giúp đỡ mà cũng chỉ mở được vài trăm mét vuông ruộng.
 
Thế rồi, hết cán bộ huyện đến cán bộ xã đem theo lúa giống về dạy ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa nhưng các hộ vẫn cứ thờ ơ. A Dờ quyết định chính anh sẽ cùng cán bộ huyện, cán bộ xã tự làm lấy. Nhưng lúa cấy hôm trước, hôm sau bà con tháo hết nước để lúa chết khô. Có thửa ruộng thì bà con nhổ hết lúa lên, thậm chí nhiều người nói rằng A Dờ "đã bị con ma rừng ám mất rồi”.
 
Tưởng sang đây có cuộc sống no đủ chứ nào ngờ phải làm vất vả và cây mạ bé tí ti cắm xuống nước thì khi nào mới có bông, có thóc mà ăn. Bỏ ngoài tai mọi bàn tán, một mặt tiếp tục vận động, giải thích cho bà con hiểu, mặt khác, A Dờ cần mẫn quyết làm cho bằng được mới thôi.
 
Nhờ những nỗ lực ấy của A Dờ, những thửa ruộng đầu tiên sau hơn ba tháng đã được thu hoạch và gạo thơm ngon hơn thứ gạo nương. Tận mắt trông thấy, tận miệng được ăn, thế là chả ai bảo ai đều nghe theo, làm theo, tích cực khai hoang mở ruộng cấy lúa. Khe Táu nay đã có hơn 12 ha lúa nước; trong đó, 5 ha gieo cấy 2 vụ, 7 ha ngô đồi. Cuộc sống ở Khe Táu thực sự đổi thay khá nhiều so với hồi dân mới đến đây.
 
Anh Dờ phấn khởi: "Ngày trước ở bên bản Làng Giàng, hết mùa lúa, ngô là các gia đình người Mông lại dắt díu nhau đi tìm mảnh nương mới. Nay người Mông ở Khe Táu đã định canh định cư, biết gieo trồng lúa nước, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều tưởng chừng không bao giờ có thể làm được thì nay đã làm được”.
 
 

Bản định cư thôn Khe Táu.

Anh Dờ dẫn chúng tôi leo ngược dốc một đoạn, chỉ vào ngôi nhà gỗ khang trang và cho biết đó là nhà của ông Giàng A Chống. Là hộ làm kinh tế giỏi có tiếng ở Khe Táu, ông Chống nuôi 6 con trâu, bò, hơn 10 con lợn, hàng chục con gia cầm, gần 6 sào ruộng nước 2 vụ, hơn 2 ha ngô đồi. Ông Chống khoe: "Nhờ anh Dờ mà gia đình tôi mới được như hôm nay. Ngày trước về đây, nhà mình đông con, không có đất canh tác, chỉ biết làm lúa nương nên đói khổ. Bí thư tốt lắm đấy!”.
 
Lập gia đình rất sớm, đông con, chị Lù Thị Say trông già hơn tuổi. Chị Say cho hay: "Lấy chồng sớm, đẻ lắm, đẻ mau nên nhà mình luôn thiếu ăn. Nhờ có A Dờ thường xuyên đến vận động nên mình không đẻ nữa và anh lại còn chỉ bảo cách khai hoang ruộng nước, cấy lúa, nuôi lợn, gà. Chỗ nào khó khăn, không làm được, anh Dờ mời cả cán bộ xã, huyện đến giúp mình và bà con dân bản”.

Ổn định đời sống cho đồng bào là việc quan trọng đã hoàn thành, nhưng Bí thư Lù A Dờ vẫn còn phải suy nghĩ rất nhiều về việc cưới, việc tang còn nặng nề quá, nhất là chuyện thách cưới. Day dứt vì thách cưới lớn nên nhiều đôi trai gái người Mông ngay trong thôn Khe Táu này cũng như các thôn người Mông xung quanh không lấy được nhau và nếu lấy được nhau cũng oằn lưng gánh nợ. Mỗi đám cưới ngoài tiền cưới từ 20 - 30 triệu đồng còn phải có lễ vật gồm: trâu, lợn, gà, rượu, bạc trắng... sơ sơ cũng 60 - 70 triệu đồng.
 
Gia đình ông Lù A Sang ở thôn Bản Lùng có 4 người con thì 3 con trai đã lấy vợ nhưng hiện giờ đều vẫn nợ khá nhiều bởi tục thách cưới.
 
Đến khi cô con gái út của ông là Lù Thị San được chàng trai người Mông ở thôn Khe Táu hỏi về làm vợ, gia đình ông đồng ý và liệt kê các khoản thách cưới cho nhà trai.
 
Hơn hai năm trôi qua, nhà trai chưa sắm đủ lễ cưới theo yêu cầu nhà gái, khiến đôi trẻ chưa thể nên duyên chồng vợ. Hay như bà Lù Thị Minh, thôn Khe Dẹt có chồng mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con. Năm 2015, Tráng A Tủa là con bà đã đến tuổi lấy vợ, song vì nghèo khó mà suốt 3 năm nay không kiếm đủ tiền thách cưới...
 
Trước thực trạng đó, trong sinh hoạt Chi bộ thôn, Bí thư Lù A Dờ đã mạnh dạn nêu rõ suy nghĩ và quan điểm của bản thân; đồng thời, quyết tâm cùng Chi bộ xây dựng nghị quyết xóa bỏ hủ tục này. Quá trình triển khai thực hiện đã gặp nhiều trở ngại với sự phản đối từ các gia đình trong bản, khiến anh nhiều lúc cảm thấy thật mệt mỏi. Tuy vậy, anh đã cùng các đảng viên trong Chi bộ tìm hiểu, lên danh sách những gia đình có con gái đến tuổi lấy chồng để có kế hoạch vận động họ bỏ thách cưới.
 
Lù A Dờ cho biết: "Hầu hết các gia đình đều không đồng ý bỏ thách cưới, vì họ nói từ trước đến nay người Mông mình vẫn làm vậy. Nhà có con gái đến tuổi lấy chồng phải thách cưới thì mới giữ được tục lệ của dân tộc. Không thách cưới họ lấy đâu tiền, rượu, thịt mà đãi bà con dân bản...”.
 
Tuy vậy, anh xác định tuyên truyền, vận động một lần không được thì phải làm hai lần, ba lần, nhiều lần với quyết tâm đã làm là phải làm bằng được và cuối cùng Khe Táu cũng đã thành công.
 
Nhận thức rõ ràng đây là chuyện không riêng ở Khe Táu, Bí thư  Lù A Dờ tiếp tục đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và được Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng nhất trí cho thành lập và ra mắt Nhóm người Mông tự quản. Là người có uy tín trong cộng đồng, anh Dờ được bầu làm Trưởng nhóm của 120 hộ người Mông ở 3 thôn: Khe Dẹt, Bản Lùng, Khe Táu. Đến thăm gia đình ông Lù A Sang ở thôn Bản Lùng khi ông cùng con cháu đang quây quần bên nhau.
 
Nhắc chuyện đám cưới của cô con gái út, ông vui vẻ: "Con gái mình đã cưới cuối năm ngoái sau khi anh Dờ tới vận động. Nhờ có anh mà mình hiểu ra được điều hay lẽ phải nên không thách cưới nữa. Đám cưới vẫn có rượu, có thịt tươm tất nhưng con mình không phải nợ nần, thế là mình cũng thấy vui rồi”. Nhẩm tính, ông Sang bảo rằng, Bản Lùng từ nay đến cuối năm có 7 đám cưới nữa, nhưng tất cả đều thống nhất không thách cưới.

Đi qua những tháng năm nhiều gian nan, cuộc sống ở Khe Táu giờ đây mỗi ngày càng thêm đổi thay. Có được đổi thay ấy là nhờ công lớn của một người mang nhiều ước vọng và không ngừng góp sức cho cuộc sống cộng đồng ngày càng phát triển - người ấy là Bí thư Chi bộ Lù A Dờ.

Thanh Tân - Thu Nhài

Các tin khác

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Giá xăng tăng từ chiều nay 28/3.

Từ 15h hôm nay 28/3, giá xăng E5 RON92 tăng 406 đồng/lít, xăng RON95 tăng 532 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng, giảm tùy loại.

Người dân huyện Yên Bình chuyển hướng nuôi trồng các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao.

Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục