Với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện khoán 208.523,6 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất cho hộ và các nhóm hộ quản lý bảo vệ.
Xác định kiểm lâm địa bàn đóng vai trò đầu mối thúc đẩy hỗ trợ chính quyền và cộng đồng địa phương thực thi chính sách pháp luật quản lý, bảo vệ rừng (BVR), Chi cục đã tăng cường lực lượng kiểm lâm xuống cơ sở; đến nay, bảo đảm 100% xã, phường đều có kiểm lâm địa bàn phụ trách.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn đã tham mưu với chính quyền các xã xây dựng phương án, kế hoạch BVR; xây dựng các tổ đội quần chúng BVR; tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, bản, xây dựng và thực hiện pháp luật, quy ước BVR.
Nhờ đó, hàng năm, các địa phương đã kiện toàn và củng cố được trên 14.000 tổ đội BVR với trên 15.000 thành viên tham gia, tại các thôn, bản đã xây dựng được trên 300 tổ đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đặc biệt, công tác thanh tra, pháp chế có nhiều chuyển biến tích cực. Chi cục đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng phòng hộ, rừng giáp ranh và tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các địa phương.
Tính riêng 8 tháng của năm 2018, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 154 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, có 36 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 41 vụ mua bán, chế biến, cất giữ lâm sản trái phép, 6 vụ khai thác rừng trái phép, 18 vụ phá rừng trái pháp luật, 29 vụ lấn chiếm rừng làm nương rẫy, 24 vụ vi phạm phòng cháy, chữa cháy rừng và các thủ tục hành chính khác; tịch thu 67,859 m3 gỗ xẻ, 64,28 m3 gỗ tròn; thu nộp ngân sách trên 444 triệu đồng.
Nhờ vậy, tình trạng khai thác, buôn bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép đã được kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác BVR còn gặp không ít khó khăn. Do nhu cầu về sử dụng lâm sản và đất đai ngày càng nhiều nên áp lực vào rừng và tài nguyên rừng ngày càng lớn. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quản lý, BVR; thiếu kiên quyết chỉ đạo các biện pháp BVR thường xuyên đồng bộ.
Cùng đó, lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu về kiểm lâm địa bàn để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, một số kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 2-3 xã nên không thường xuyên bám sát địa bàn dẫn đến tình trạng chất lượng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Chi cục tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội về quản lý, BVR; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý BVR.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thực thi pháp luật BVR. Đặc biệt, phát huy vai trò của lực lượng kiểm lâm địa bàn trong việc tham mưu với chính quyền địa phương để điều phối, huy động các lực lượng khác cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Văn Thông