Hợp tác để phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2018 | 1:02:31 PM

YBĐT - Tháng 8/2016, HTX Cam sành Lục Yên được thành lập với 16 thành viên là những nhà vườn giàu kinh nghiệm về canh tác cây ăn quả có múi, có cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống cây ăn quả; có vườn ươm giống và tổng diện tích cây ăn quả là 110 ha.


Với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu làm nên vị ngọt riêng cho quả cam sành và loại cây này đã trở thành cây kinh tế chủ lực tại nhiều xã tại huyện Lục Yên.

Nhận thấy, cần có sự liên kết giữa các hộ trồng cam để phát huy thế mạnh cây cam; đồng thời, để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập và góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập, Hội Nông dân huyện Lục Yên đã có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực khuyến khích các tập thể, hộ nông dân chủ động liên kết thành các nhóm sản xuất, kinh doanh thông qua thành lập và hoạt động hiệu quả 8 mô hình kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và chi hội, tổ hội nghề nghiệp. 

Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có quy mô; tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. 

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 8/2016, HTX Cam sành Lục Yên được thành lập với 16 thành viên là những nhà vườn giàu kinh nghiệm về canh tác cây ăn quả có múi, có cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống cây ăn quả; có vườn ươm giống và tổng diện tích cây ăn quả là 110 ha. HTX Cam sành Lục Yên xác định 6 ngành nghề sản xuất, kinh doanh gồm: sản xuất, cung ứng giống cây trồng, cam quả, khoai tím, lạc đỏ, măng khô và một số hàng nông sản khác; vốn khởi điểm là 100 triệu đồng tiền mặt; một số diện tích cây cam đủ điều kiện lựa chọn làm cây mẹ, cây đầu dòng để khai thác mắt ghép nhân giống cây. 

HTX tổ chức thành 5 nhóm sản xuất, bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ; đồng thời, để Ban Quản lý HTX tiện cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trong nhóm. 

Các hoạt động phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất theo hình thức tập thể như: kết nối cung cấp các vật tư đầu vào, bảo lãnh vay vốn cho thành viên, tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể... đã giảm đáng kể các chi phí từ dịch vụ đầu vào đến công lao động, vận chuyển tiêu thụ, giá thành sản phẩm... góp phần làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản đơn lẻ của các hộ trồng cam nơi đây. Nhờ đó, năm 2017, HTX đã được UBND huyện ủy quyền sở hữu Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, có tem nhãn, logo và trang Web riêng.

Với phương châm "Sát cánh cùng người sản xuất - đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và xác định chìa khóa thành công chính là chất lượng sản phẩm, HTX đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm và quan tâm áp dụng thống nhất quy trình sản xuất giống cây và quả có múi (lựa chọn cây mẹ để nhân giống, chăm sóc, thu hái, vận chuyển để cam quả đến với người tiêu dùng chất lượng tốt nhất).

 Vì thế, dù là nhãn hiệu mới được ra mắt, nhưng HTX Cam sành Lục Yên đã dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường; các sản phẩm làm ra, đặc biệt là quả cam sành đã nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đến nay, nhiều diện tích cam của HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm; một số diện tích đang trong quá trình đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP; những sản phẩm có tem nhãn của HTX đang dần được những thị trường các thành phố lớn đón nhận; đặc biệt là 2 nhà bán lẻ lớn là Công ty Nông sản vùng miền, Siêu thị Wmax ký hợp đồng tiêu thụ. 

Riêng niên vụ 2016 - 2017, HTX đã cung ứng gần 40 nghìn cây cam giống, cung cấp ra thị trường 500 tấn cam quả thu về hàng tỷ đồng. Cùng đó, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho Công ty Nông sản Việt Bắc, Công ty Sản phẩm nông sản sấy Nam Định hơn 30 tấn khoai tím; bước đầu cung ứng sản phẩm lạc đỏ cho Công ty Nông sản Bắc -  Trung - Nam… Nhờ đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, mức thu nhập ổn định mỗi tháng là 4 triệu đồng.  

Những khó khăn ban đầu đang dần qua đi, sự tự tin khởi nghiệp với mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới cùng với sự quyết tâm của các thành viên và tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái, trong năm 2018, HTX triển khai mô hình cây cam trồng xen cây đinh lăng, cây sa nhân; nhân rộng diện tích cây cam sành và không ngừng mở rộng thị trường nhằm bao tiêu bền vững cam sành cùng một số hàng nông sản cho nông dân Lục Yên. 

Lê Phiên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Xuất khẩu tôm và hải sản của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm. Việt Nam có thể sẽ không đạt được kế hoạch kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD đề ra cho năm nay.

Lực lượng chức năng tiêu hủy toàn bộ số trứng gà bị thu giữ.

YBĐT - Ngày 6/9, Đội Quản lý thị trường số 4 huyện Văn Yên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy 7.200 quả trứng gà thương phẩm do Trung Quốc sản xuất.

YBĐT - Phong Dụ Thượng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Văn Yên do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 hồi giữa tháng 7 vừa qua. Mưa lũ đã gây thiệt hại trên 102 ha cây nông nghiệp, gồm gần 82 ha lúa và hàng chục ha rau màu, trong đó khoảng 50 ha lúa bị đất, đá vùi lấp phải cần thời gian dài mới có thể khắc phục.

Quang cảnh Lễ trao danh hiệu doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018. (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp (AGER 2018), Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ đầu về thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục