Thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCTT, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn đã được đặc biệt quan tâm và đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Yên Bái là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là sự chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn của người dân và của cả hệ thống chính trị nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Yên Bái luôn chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai cực đoan, bất thường. Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương có xu hướng gia tăng. Không nằm trong mắt bão hay tâm bão nhưng Yên Bái hay phải hứng chịu hoàn lưu bão, lốc tố.
Năm 2017, thiên tai bão lũ xảy ra trên địa bàn nhiều hơn, cường độ mạnh hơn đã xảy ra 21 đợt thiên tai, tăng 7 đợt so với năm 2016. 8/9 huyện, thị bị ảnh hưởng nặng nề. Thiên tai làm 37 người chết, 16 người mất tích, 33 người bị thương; gần 4.000 ngôi nhà bị hại, trên 2.346 ha lúa và trên 1.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học... tổng giá trị thiệt hại trên 1.850 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đầu tháng 8/2018, mưa lũ làm 17 người chết, 20 người bị thương; 1.612 nhà bị lũ cuốn trôi, bị sập và hư hỏng; trên 3.246 ha lúa, hoa màu và đất lâm nghiệp bị thiệt hại... Ngay khi bão lũ xảy ra, mặc dù đã có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, sự đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay hậu quả của thiên tai vẫn còn rất nặng nề.
PCTT hiệu quả là một trong những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Yên Bái đã và đang khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT theo Luật PCTT; xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN giai đoạn 2018 - 2020.
Thường xuyên, liên tục rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT-TKCN phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương. Xây dựng các phương án ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn theo cấp độ rủi ro thiên tai. Bảo dưỡng, xây dựng các trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, nhất là các trạm quan trắc phục vụ, vận hành các hồ chứa, trạm đo mưa, trạm cảnh báo lũ quét...
Triển khai lồng ghép công tác PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra. Rà soát quy hoạch, chuyển đổi sản xuất phù hợp với từng vùng, giảm thiểu thấp nhất tác động của thiên tai.
Thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, UBND các huyện, thị, thành phố. Trong mùa mưa bão tổ chức ứng trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành và địa phương; thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương...
Đối với UBND các huyện, thị tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét năm 2017 và đầu năm 2018. Chủ động di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, xây dựng phương án sơ tán bảo đảm an toàn các hộ dân chưa có điều kiện di dời.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức trong cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tới các thôn, bản có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... đến người dân tại các thôn, bản...
Sự chủ động phòng chống sẽ giảm thiểu thiệt hại, do vậy cần sự vào cuộc và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người dân.
Thanh Phúc