Năm 2018, dự toán thu ngân sách Nhà nước của tỉnh được Bộ Tài chính giao 2.016 tỷ đồng; trong đó, thu cân đối 1.527 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 300 tỷ đồng, xổ số 19 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 170 tỷ đồng. HĐND tỉnh quyết định thu 2.218 tỷ đồng; trong đó, thu cân đối 1.527 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 500 tỷ đồng; xổ số kiến thiết 21 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 170 tỷ đồng. Tỉnh ủy giao chỉ tiêu phấn đấu đạt 2.900 tỷ đồng; trong đó, thu cân đối 1.770 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết 22 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 868 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 240 tỷ đồng.
Đây là nhiệm vụ nặng nề khi tổng quan bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn chưa có những "đột phá mới" góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2018, công tác thu ngân sách của tỉnh có dấu hiệu khả quan, nếu như một số ngành kinh tế thường có tâm lý "đủng đỉnh” trong thực hiện nhiệm vụ để rồi tập trung tăng tốc trong nửa chặng đường còn lại thì ngược lại, ngành thuế đã bắt tay ngay vào thực hiện với quyết tâm cao từ những tháng đầu, quý đầu.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên công tác thu ngân sách không đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, linh hoạt nhiều phương án thu ngân sách nên 9 tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã thu đạt trên 1.702 tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán trung ương giao, bằng 76,8% dự toán tỉnh giao và bằng 58,7% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,2% so với cùng kỳ; trong đó, thu cân đối ngân sách trên địa bàn là 1.118 tỷ đồng, bằng 73,3% dự toán Trung ương, tỉnh giao và bằng 63,2% chỉ tiêu phấn đấu; thu tiền sử dụng đất là 398 tỷ đồng, bằng 46% chỉ tiêu phấn đấu; thu xổ số kiến thiết 16,8 tỷ đồng, bằng 76,2% chỉ tiêu phấn đấu; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 168 tỷ đồng, bằng 70% chỉ tiêu phấn đấu.
Là tỉnh miền núi, nên nền kinh tế của Yên Bái có điểm xuất phát thấp, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn bởi giá cả vật tư đầu vào tăng, trong khi sức mua không tăng, dẫn đến sản phẩm ế thừa; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình xây dựng trên địa bàn không nhiều...
Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng mũi nhọn gặp khó. Đơn cử như nguồn thu từ thủy điện, do ảnh hưởng của lũ bão liên tiếp nên các nhà máy thủy điện vẫn còn đang trong giai đoạn sửa chữa, khắc phục.
Các sản phẩm gốm, sứ và tinh dầu quế khó tiêu thụ nên các công ty cũng chật vật tìm đầu ra. Một số dự án công nghiệp trọng điểm mới trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh; thời tiết diễn biến phức tạp rét đậm, bão, lốc, lũ quét, sạt lở đất... gây tổn thất về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo Cục Thuế tỉnh, trong 9 tháng đầu của năm 2018 có 10 nguồn thu đạt 75% dự toán tỉnh giao trở lên gồm: thu khác ngân sách đạt 90%; tiền thuê đất đạt 91%; cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 85%; thu nhập cá nhân đạt 82%, lệ phí trước bạ đạt 82%, thu xổ số đạt 80%, tiền sử dụng đất đạt 80%; phí lệ phí đạt 78%; ngoài quốc doanh đạt 76%; thuế bảo vệ môi trường đạt 76%. Có 2 nguồn thu chưa đạt so với tiến độ là quốc doanh 63% và liên doanh đầu tư nước ngoài 59%. Cụ thể, thu quốc doanh đạt 257,7 tỷ đồng, bằng 63% dự toán tỉnh và bằng 95% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đá trắng Bảo Lai, huyện Yên Bình.
Nguyên nhân là do một số ngành, doanh nghiệp có số thuế phát sinh nộp ngân sách lớn thì việc mở rộng thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ chưa đạt mục tiêu đề ra cũng làm ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng thiên tai nên một số ngành thay đổi thị trường tiêu thụ sản phẩm cùng với việc phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào (sửa chữa công trình bị hư hỏng)... đã giảm thu từ nguồn này. Thu liên doanh đầu tư nước ngoài đạt 50,3 tỷ đồng, bằng 59% dự toán tỉnh và bằng 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do các nhà thầu gần như kết thúc các dự án xây dựng trên địa bàn, cụ thể là nhà thầu Keangnam, nhà thầu CP2, nhà thầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Căn cứ nhiệm vụ thu ngân sách đã được tỉnh giao và chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ngành thuế phải thu 1.197,4 tỷ đồng; trong đó, thu xuất nhập khẩu 71,9 tỷ đồng, thu cân đối 651,1 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 469,2 tỷ đồng (khối tỉnh 271,8 tỷ đồng, khối huyện 197,4 tỷ đồng), xổ số 5,2 tỷ đồng.
Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 2.900 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm 2018, ngành Thuế cần tiếp tục triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành thu ngân sách Nhà nước; đặc biệt chú trọng phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, để kịp thời tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thu ngân sách; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để quản lý tốt nguồn thu.
Chú trọng vào các lĩnh vực còn thất thu; chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện rà soát, đánh giá từng nguồn thu, từng doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch chi tiết thu ngân sách theo từng tháng; đồng thời, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc kiểm tra, đôn đốc đảm bảo kế hoạch thu hàng tháng đã đề ra.
Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: ngành thuế tiếp tục triển khai các giải pháp về quản lý, điều hành thu ngân sách, đối với các doanh nghiệp quốc doanh, liên doanh đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh.
Căn cứ tình hình nộp ngân sách 9 tháng đầu năm, ngành sẽ đánh giá chi tiết từng doanh nghiệp để phân tích cụ thể các chỉ tiêu sản lượng, giá bán, doanh thu và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo từng tháng, nguyên nhân tăng, giảm so với dự kiến và cùng kỳ. Tập trung chỉ đạo quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế, phí theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.
Tiếp tục phối hợp các ngành tổng hợp, thực hiện và đôn đốc thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn chỉ đạo số 1785/UBND - TNMT ngày 03/8/2018 của UBND tỉnh Yên Bái và Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/2018 quyết định ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái (có hiệu lực từ 20/8/2018).
Quản lý chặt chẽ các nguồn thu vãng lai, thuế nhà thầu phát sinh trên địa bàn để tăng thu và bù đắp các nguồn thu thiếu hụt; trong đó, chú trọng đến việc quản lý thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với các hoạt động san tạo mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn.
Có thể nói, áp lực thu ngân sách đối với ngành thuế là rất lớn trong những tháng còn lại của năm kế hoạch 2018. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao thông qua nhiều giải pháp sát với thực tế, đồng bộ, ngành thuế phấn đấu sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.
Quang Thiều