Tân Phượng giữ rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2018 | 7:58:32 AM

YBĐT - Những năm qua, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đã có thành lập các nhóm quản lý, bảo vệ rừng đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Kiểm lâm huyện Lục Yên hướng dẫn người dân xã Tân Phượng kỹ thuật phát dọn nương rẫy.
Kiểm lâm huyện Lục Yên hướng dẫn người dân xã Tân Phượng kỹ thuật phát dọn nương rẫy.


Tân Phượng là xã vùng cao của huyện Lục Yên có diện tích rừng trên 2.500 ha; trong đó, rừng tự nhiên phòng hộ trên 1.400 ha, rừng tự nhiên sản xuất 1.121 ha. Rừng Tân Phượng có độ đa dạng sinh học lớn nhất huyện, với những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây lại gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, nhiều diện tích chủ yếu rừng núi đá nên công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Tân Phượng là địa bàn giáp ranh nhiều xã thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang nên một số hộ dân vùng lân cận vẫn thường xuyên vào rừng khai thác, chặt phá.

Theo ông Triệu Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Tân Phượng: cùng với việc vận động nhân dân không đốt nương làm rẫy, không chặt phá, khai thác lâm sản trái phép, địa phương thành lập và duy trì 8 nhóm giao khoán bảo vệ rừng; trong đó, 3 nhóm gồm 64 thành viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, 5 nhóm gồm 48 thành viên bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất. 

Các nhóm này thường xuyên tổ chức họp, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và tổ chức các buổi tuần tra, kiểm tra trên khu vực rừng được giao khoán. 

Ông Bàn Trung Kiên - Trưởng nhóm Bảo vệ rừng thôn Bó Mi 1 cho biết: "Nhóm có 38 thành viên, phụ trách bảo vệ trên 279 ha rừng. Hàng tuần, nhóm phân công các tổ gồm 6 - 7 người tuần tra trên địa bàn phụ trách. Ngoài ra, khi phát hiện có dấu hiệu hay nguồn tin báo khai thác lâm sản trái phép, nhóm tổ chức phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn để kiểm tra, xử lý”. 

Cùng đó, Tân Phượng thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc để hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác lâm sản trái phép; tiến hành nghiệm thu chất lượng bảo vệ rừng của các hộ dân, nhóm hộ bảo vệ đạt chất lượng tốt mới chi trả tiền công theo quy định. Qua đó, chất lượng rừng được giao khoán, bảo vệ đã được nâng lên rõ rệt, trách nhiệm người dân được nhận bảo vệ rừng tốt hơn.

Theo UBND xã Tân Phượng, trong 8 tháng của năm 2018, các nhóm giao khoán bảo vệ rừng đã thực hiện 110 lượt kiểm tra với 513 ngày công. Qua kiểm tra, các lực lượng đã phát hiện 24 vụ phát rừng làm nương rẫy trái phép, 8 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Ngoài ra, nhân dân cũng đã trồng mới 95,76 ha rừng, đạt 239% kế hoạch. 

Ông Triệu Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết thêm: "Hiện nay, diện tích rừng giao khoán cơ bản được bảo vệ tốt, không bị tàn phá. Các chủ rừng, người dân có ý thức, trách nhiệm và tham gia tích cực hơn vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. 

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng mà người dân Tân Phượng đã có thêm thu nhập, giảm nghèo và ổn định đời sống. Cũng theo UBND xã, năm 2017, toàn xã đã thực hiện chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân với số tiền gần 300 triệu đồng. 

Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, xã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; thành lập các nhóm quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát và tích cực phát triển rừng sản xuất bằng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế...

Hùng Cường

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục