Vụ đông xuân thường phát sinh các loại dịch bệnh trên GSGC, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, dịch LMLM, tụ huyết trùng ở trâu, bò. Đặc biệt, đây là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, việc vận chuyển, giết mổ GSGC tăng mạnh nên các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh thú y.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh trên đàn GSGC cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh LMLM đã xuất hiện ở các huyện: Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải.
Mới đây, từ 18/9 đến ngày 29/9 dịch bệnh LMLM xảy ra tại 7 hộ thuộc 2 thôn của xã Mỏ Vàng, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên làm 20 con trâu, lợn mắc bệnh.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên đã kịp thời bao vây, khống chế được dịch bệnh. Đến thời điểm này, con cuối cùng mắc bệnh đã khỏi triệu chứng và huyện Văn Yên đã ban hành văn bản công bố hết dịch.
Ông Ninh Kiều Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi đạt hiệu quả cao, Chi cục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển GSGC ra, vào tỉnh; tiêm phòng định kỳ cho GSGC; tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật”.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến hết tháng 9, hệ thống thú y toàn tỉnh đã tiêm phòng được 51.080 liều vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò, 79.385 liều tụ huyết trùng lợn, 56.278 liều dịch tả lợn, 55.342 liều LMLM; đã kiểm dịch 63.918 con GSGC nhập vào tỉnh; 208.202 con GSGC và 20.049 kg sản phẩm động vật (da lợn, da trâu bò, nội tạng trâu bò, ruột non sơ chế) xuất ra ngoài tỉnh và kiểm soát giết mổ được 93.619 con gia súc.
Cùng đó, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cũng được đẩy mạnh nhằm chủ động ngăn chặn các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm trên GSGC. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp gần 10.000 lít hóa chất để khử trùng tiêu độc môi trường tại các cơ sở chăn nuôi GSGC tập trung, hộ gia đình; các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng qua thực tế và theo các số liệu dịch tễ, các đợt dịch trên GSGC thường phát sinh trong vụ đông xuân bởi thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường lạnh tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại, phát triển.
Cùng đó, người dân tập trung tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm; các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC cũng tăng mạnh cuối năm nên dễ làm lây lan dịch bệnh. Điều đáng ngại hơn là nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi là rất cao qua việc buôn lậu thịt lợn, đặc biệt là lợn sống qua các tuyến biên giới.
Trong khi đó, tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật vẫn khó kiểm tra, kiểm soát do các địa phương chưa xây dựng các điểm giết mổ động vật tập trung.
Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần rà soát kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho GSGC, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức phòng chống dịch bệnh GSGC cho người chăn nuôi; tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển GSGC, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.
Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt đảm bảo vệ sinh chuồng trại bằng cách thường xuyên vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc - xin, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn GSGC nhằm phát hiện sớm để nuôi cách ly, điều trị kịp thời; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và khi có dịch phải báo ngay cho lực lượng thú y và chính quyền địa phương; nghiêm túc thực hiện "5 không” (không giấu dịch, không bán chạy, không mua, không vận chuyển, vứt xác gia cầm bừa bãi) trong phòng chống dịch bệnh.
Văn Thông