Kiên cố hóa đường giao thông ở Trấn Yên - ý Đảng hợp lòng dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/12/2018 | 7:56:51 AM

YBĐT - Thời gian qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) ở Trấn Yên có sự đột phá. Nhờ đó, từng con đường ngoài xóm, trong thôn được mở rộng, nâng cấp, đã thay đổi diện mạo làng quê và là nền tảng vững chắc giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân xã Y Can bê tông hóa giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Y Can bê tông hóa giao thông nông thôn.

Trước đây tuyến đường Quy Mông đi thôn Khe Rộng xã Kiên Thành là đường lâm nghiệp, nhỏ hẹp và khó khăn lưu thông nhất là vào mùa mưa. 

Với chủ trương đầu tư nâng cấp, mở mới tuyến đường này thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi được Nhà nước đầu tư 30 tỷ đồng để bê tông hóa 8,4km theo tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi, 85 hộ thuộc 2 thôn đặc biệt khó khăn là Khe Rộng và Đồng Phay xã Kiên Thành đã tự nguyện hiến 2,4ha đất và nhiều tài sản trên đất, trong đó có những hộ ảnh hưởng tới gần 1ha cây cối hoa màu và hiến tới 0,5ha đất, với mong muốn con đường sớm đưa vào sử dụng để lưu thông thuận tiện và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. 

Ông Triệu Phú Tiên, thôn Khe Rộng xã Kiên Thành chia sẻ: "Biết đất là quý, nhưng tôi xác định muốn xã phát triển, mỗi người dân phải gương mẫu, làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của nhân dân trong thôn, trong xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vì vậy tôi tự nguyện hiến 0,5ha đất trồng quế và tre Bát độ để làm đường”.

Ở nhiều địa phương, để cứng hóa đường giao thông thì người dân đã quen với chính sách Nhà nước đầu tư hoàn toàn, hoặc hỗ trợ 60% kinh phí. Nhưng để đẩy nhanh tiến độ cứng hóa các tuyến đường liên thôn, trục thôn  khi được huyện hỗ trợ 252 tấn xi măng, xã Việt Cường đã vận động người dân phát huy nội lực với giá trị trên 70% tổng kinh phí để cứng hóa 2,5km đường. 

Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ đường liên thôn, trục thôn được cứng hóa đạt 100% và đường ngõ xóm đạt gần 56%. 

Ông Văn Hữu Quế - Chủ tịch UBND xã Việt Cường thông tin: "Việc phát động phong trào nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông không phải không có khó khăn. Lúc đầu, nhiều người dân cứ nghĩ đấy là việc của Nhà nước nhưng khi được trực tiếp thảo luận, bàn bạc, người dân mới hiểu ra xây dựng nông thôn mới trước hết cần phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết và sự chung tay của mọi người. Khi người dân đã hiểu thì sự đồng thuận rất cao”.

Với phương châm cứng hóa đường GTNT là đòn bẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân, những năm qua, huyện Trấn Yên tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó đặc biệt là trải thảm nhựa, bê tông xi măng đường giao thông liên xã, liên thôn, nội thôn và nội đồng. 

Để việc triển khai được thuận lợi, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, đầu tư, nâng cấp cứng hóa, phát triển các tuyến đường GTNT với phương châm "Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, nhân dân hiến đất, công lao động”; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương và lợi ích của GTNT tìm tiếng nói chung trong nhân dân. 

Do đó từ năm 2015 đến nay huyện Trấn Yên huy động các nguồn lực được hơn 194 tỷ đồng, đã kiên cố hóa được 179km đường GTNT, trong đó huy động nội lực trong nhân dân và nguồn xã hội hóa được 35 tỷ đồng. Hiện, 100% các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 148km đường liên xã, liên thôn, nội thôn, nội đồng được cứng hóa với mặt đường từ 3m trở lên. 

Riêng trong năm 2018, huyện đã cứng hóa được 85km đường các loại, tổng kinh phí đầu tư gần 72 tỷ đồng. Đây là tiền đề tốt để Trấn Yên đẩy nhanh tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa, cũng như thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca chia sẻ: "Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân là chủ thể, nhất là trong xây dựng GTNT. Do đó, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động thì mọi công việc đều được đưa ra trước nhân dân bàn bạc, thống nhất và để nhân dân quyết định theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhờ đó mà thành công”.

Kết quả to lớn mà chương trình kiên cố hóa GTNT mang lại chính là động lực cơ bản để xây dựng nông thôn mới, là tiền đề để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn. 

Trong những năm tới, tranh thủ các nguồn vốn, Trấn Yên sẽ tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp, mở mới đường liên thôn, liên xã, đường lâm nghiệp tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế rừng và các mô hình kinh tế trang trại... góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển GTNT chung của cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. 

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm, những năm qua, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi năm huyện Trấn Yên lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực khác với kinh phí hàng chục tỷ đồng cùng với chính quyền các xã vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất… để kiên cố hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT. Qua đó tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

"Với sự đồng thuận từ ý Đảng - lòng dân, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới bằng việc làm thiết thực là đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông với mục tiêu hướng đến năm 2020 huyện Trấn Yên sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới” - ông Mầu nói.

Phát triển hệ thống GTNT đồng bộ kết nối các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất, trung tâm hành chính và các cụm dân cư đã và đang tạo bước đột phá trong đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện.

Thanh Tiến - Thanh Hùng (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)

Các tin khác
Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Công ty Điện lực Hòa Bình cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110 kV Mai Châu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức số 2594/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục