Đại Phác là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, chính quyền xã đã triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu nhưng phần lớn không đạt được mục tiêu đề ra, bởi vấn đề tiêu thụ sản phẩm khó khăn, một số loài cây lại không phù hợp với thổ nhưỡng...
Đầu năm 2018, sau khi đi tham quan thực tế mô hình trồng nghệ dược liệu tại tỉnh Hưng Yên, Công ty cổ phần Xây dựng Văn Yên quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng để triển khai mô hình trồng nghệ dược liệu tại địa phương với diện tích 2 ha.
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Công ty đã liên kết với 50 hộ dân theo hình thức thuê đất soi bãi trước đây đã trồng ngô và trả công chăm sóc, thu hoạch. Công ty cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Anh Phạm Xuân Thiện - Phụ trách mô hình trồng nghệ dược liệu của Công ty cổ phần Xây dựng Văn Yên cho biết: "Mô hình được người dân ủng hộ và hăng hái đăng ký. Đến nay, sau gần 10 tháng trồng, chăm sóc, cây trồng này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên 2 ha nghệ dược liệu của công ty sinh trưởng khá tốt, hiện đang bắt đầu xuống củ. Dự kiến đến tháng 2 năm 2019 sẽ có thu hoạch, khả năng năng suất, chất lượng củ sẽ đạt cao”.
Để cây nghệ phát triển tốt, không bị sâu, bệnh, cho hàm lượng tinh chất cao để chiết xuất làm dược liệu, ngoài việc hướng dẫn người dân trồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, trong quá trình triển khai, Công ty thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự phát triển của cây nghệ.
Là người dân tham gia trong dự án này, ông Vũ Văn Mão ở thôn 9 cho biết: "Cây nghệ rất dễ trồng bởi ít sâu, bệnh và không tốn công chăm sóc, nếu tính một sào nghệ trung bình thu hoạch hơn 1 tấn củ tươi với giá trung bình thị trường 9.000 đồng/kg thì cũng thu về gần 10 triệu đồn"g.
Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng theo đánh giá của người dân nơi đây thì với sự phát triển của cây nghệ như hiện nay dự kiến đến khi thu hoạch thì năng suất sẽ đạt hơn 30 tấn/ha. Với giá thấp nhất mà đơn vị thu mua ký cam kết trừ chi phí, người trồng nghệ thu khoảng 200 triệu đồng/ha.
Anh Phạm Xuân Thiện cho biết thêm: "Mô hình có hiệu quả, Công ty sẽ nhân rộng ra từ 8 - 10 ha, thậm chí sẽ mở rộng ra các địa phương khác”.
Được đánh giá phù hợp với đất đai, khí hậu thổ nhưỡng, lại cho giá trị kinh tế cao hơn so với cây trồng khác trên đất soi bãi, mô hình trồng nghệ dược liệu trên địa bàn xã Đại Phác đang mở ra triển vọng tốt, nâng cao giá trị cây trồng, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Nhất là với việc trồng nghệ theo mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo điều kiện cho người nông dân có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hồng Duyên