Khởi công đường dây 500 KV mạch 3

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/12/2018 | 4:28:31 PM

Sáng 18-12, tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã khởi công các dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 (đường dây 500 kV mạch 3).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu phát lệnh khởi công công trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu phát lệnh khởi công công trình.

Tham dự lễ khởi công có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai nơi có đường dây đi qua.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra nhanh và mạnh mẽ nên nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao với mức tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Hiện tại, tổng công suất nguồn điện là khoảng 48.000MW. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, nhu cầu là khoảng 130.000MW.

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải tập trung đầu tư phát triển các nguồn điện, đồng thời đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới truyền tải. Mặt khác, việc cung cầu điện tại mỗi vùng miền đang mất cân đối.

Cụ thể, năm 2018, miền Nam tiêu thụ 90 tỷ kWh điện, chiếm 47% tổng điện năng tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn cung trong khu vực chỉ đạt dưới 35%. Khu vực miền Trung và miền Bắc tiêu thụ 53% nhưng nguồn cung chiếm hơn 60% điện năng cả nước.

Xu hướng thiếu điện ở phía Nam sẽ gia tăng trong những năm tới do việc đầu tư nguồn điện tại khu vực này đang gặp khó khăn do các dự án chậm tiến độ, trong khi các tuyến đường dây 500 kV hiện nay đã đầy tải, có thời điểm quá tải.

"Do đó, việc đầu tư thêm đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 từ Vũng Áng đến Pleiku 2 là hết sức cấp bách. Khi hoàn thành, công trình này sẽ tăng cường năng lực truyền tải, góp phần điều hòa, đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân các vùng miền, đặc biệt là khu vực phía Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: "Đây là dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, điều kiện xây dựng khó khăn, ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ". 

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường kịp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án; chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện đầy đủ các phần việc liên quan đến đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các nhà thầu tư vấn, khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị, vốn, đảm bảo tính mạng an toàn con người và thiết bị, không để thất thoát, lãng phí.

Chính quyền 9 tỉnh, thành phố có đường dây đi qua tiếp tục đồng thuận và hỗ trợ, phối hợp cùng chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện tốt việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định đời sống người dân tái định cư.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, 3 dự án có quy mô xây dựng mới gần 742 km đường dây 500 kV mạch kép đi qua 9 tỉnh/thành phố trên; xây dựng mới 8 ngăn lộ 500 kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; mở rộng một số ngăn lộ 500 kV tại các trạm biến áp 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; xây dựng mới 3 trạm lặp quang và 3 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.

Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là hơn 11.949 tỷ đồng, dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án nêu trên là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành giữa năm 2020.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, đây là các dự án có quy mô lớn, xây dựng trong điều kiện địa hình miền Trung khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên mưa bão, lũ lụt đồng thời luôn phải đối mặt với các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Do vậy, Ban Quản lý kiến nghị các địa phương có đường dây đi qua tiếp tục thực hiện một số cơ chế về các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa và các thủ tục liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Sau khi lập xong phương án bồi thường phần móng trụ hoặc hành lang tuyến để trình các cấp thẩm định phê duyệt, các địa phương cho phép chủ đầu tư tạm ứng chi trả tiền trước cho các tổ chức, cá nhân để triển khai thi công.

Mặt khác, các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị thi công liên quan đền bù phục vụ thi công, được phép sử dụng đường liên thôn, liên xã, liên huyện... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục