Trong năm, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo sản xuất, lưu thông hàng hóa, tích cực đưa hàng hóa tiêu dùng đến với nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... Cùng với hệ thống chợ truyền thống, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị, trung tâm thương mại... ngày càng tăng nhanh về số lượng, mở rộng quy mô và hoạt động kinh doanh khá sôi động.
Các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh áp dụng nhiều hình thức hiện đại trong giao dịch và trao đổi hàng hóa như: đại lý, ủy thác, mua bán hàng qua điện thoại, qua Internet, kinh doanh tự phục vụ… với nhiều phương thức thanh toán như: trả chậm, trả góp…; phong cách phục vụ từng bước hướng tới văn minh, văn hóa trong kinh doanh được tăng cường; các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 13.846 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, thị trường hàng hóa năm 2018 dồi dào, nguồn cung luôn được bảo đảm. Các doanh nghiệp thương mại chủ lực như: Công ty Xăng dầu Yên Bái, Tổng Công ty Hòa Bình Minh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng, Công ty TNHH Tuấn Tuyết Yên Bái, Siêu thị Vinmart Yên Bái... phát huy tốt vai trò chủ đạo, tham gia bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Cùng với hoạt động mua bán hàng hóa thông thường, các hoạt động xúc tiến thương mại như khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại cũng được đẩy mạnh. Trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; tổ chức 15 hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức 3 hội chợ quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh gồm cam, bưởi, quế.
Hàng hóa tham gia trưng bày giới thiệu tại hội chợ đa dạng, phong phú, chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng tại địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm tham gia nhằm quảng bá giới thiệu những mặt hàng mang tính lợi thế, đặc trưng của địa phương và của doanh nghiệp với các cá nhân, doanh nghiệp đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Yên Bái; kích thích tiêu dùng trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Cùng với đó, hạ tầng thương mại tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh, nhất là khi dự án Trung tâm Thương mại vui chơi giải trí và nhà phố Shophouse của Tập đoàn Vingroup, Trung tâm Điện máy Trần Anh, Điện máy Xanh; chuỗi cửa hàng Thế giới di động đi vào hoạt động... tạo động lực cho phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại hạng III, 3 siêu thị, 97 chợ nông thôn. Trong năm 2018, có 3 chợ hạng III được đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư ước đạt 10 tỷ đồng.
Năm 2019, ngành công thương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 17.300 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Về giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2019, ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: ngành sẽ triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy hoạch phát triển thương mại đã được phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động TMDV; tập trung làm tốt xúc tiến TMDV để hỗ trợ, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia phát triển TMDV; tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, bình đẳng…
Hồng Duyên