Năm 2019: Tiếp tục điều hành, quản lý hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/1/2019 | 9:41:46 AM

Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo.

"Việc làm này nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tại buổi họp báo về kết quả hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra ngày 7/1, tại Hà Nội.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2019, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2018, tức khoảng 14%. Trong đó, tín dụng sẽ vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2018, NHNN thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa

Báo cáo của NHNN chỉ rõ, năm 2018, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% (là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là đã phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng. Mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng năm 2018 về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được đẩy mạnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Tại họp báo, liên quan tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng nói chung và tại NHNN nói riêng, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng, đến nay đã có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Theo số liệu của NHNN, 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 33,03% và 18,34% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 29,74% và 125,85% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2019, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành vì đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Tới đây, NHNN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra. Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước. Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào VND góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững.

Không in tiền mới mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống dịp Tết Nguyên đán 2019

Về công tác đảm bảo nhu cầu tiền mặt cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để kịp thời điều chuyển, bổ sung dự trữ. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông, chủ trương này từ năm 2013 đến nay đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cũng tại họp báo, khi giải đáp thắc mắc của báo chí về tiền mới, tiền lẻ trong dịp Tết sắp tới, theo ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN, năm 2018, lượng tiền dự trữ tăng khoảng 25%, tiền mệnh giá nhỏ tăng 12% so với năm 2017. NHNN đã có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ, từ 10.000 đồng trở xuống cho tới hết tháng 11, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Do đó, sẽ không in tiền mới mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong tháng 12 cũng như tháng Giêng, dự kiến trong năm 2019, NHNN sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 390 tỷ đồng.

Cụ thể, trong kế hoạch điều hòa tiền mặt của dịp Tết Nguyên đán này dự kiến tăng tăng 25%, trong đó gồm cả tiền mới in trong năm và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như của các ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Thực tế, từ tháng 4/2018, NHNN đã có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ, từ 10.000 đồng trở xuống cho tới hết tháng 11, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in.

"Tỷ lệ tăng 12% đảm bảo nhu cầu của các tổ chức và cá nhân trong 2018 cũng như tháng Giêng năm 2019. Đối với tiền mới in, mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống tính đến hết tháng 11/2018, NHNN đã cung ứng ra thị trường rất tích cực; còn từ tháng 11 trở đi, nhất là cuối tháng 11 thì những tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 trở xuống, tiền đã qua lưu thông vẫn cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, các tổ chức và cá nhân”, ông Lâm cho biết thêm.

Cũng theo ông Lâm, với kết quả thực hiện chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong tháng 12 cũng như tháng Giêng, dự kiến trong năm 2019 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 390 tỷ đồng. Nếu tổng số đã thực hiện từ năm 2013 tới nay, tức đây là năm thứ 6 thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước nhờ không in tiền mới mệnh giá nhỏ là khoảng 2.590 tỷ đồng.

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Xây dựng trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh đạt đô thị loại V

Ngày 16/4, UBND huyện Văn Yên tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh là đô thị loại V trực thuộc huyện Văn Yên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở luật là ngày 1/1/2025).

Nhân dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Triển khai nhiều giải pháp giúp các xã vùng khó khăn bứt phá trở thành xã nông thôn mới (NTM), huyện Văn Chấn quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt NTM nâng cao trong năm 2024.

Vàng miếng SJC giao dịch trên 84 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm nay (16/4) tiếp đà tăng mạnh do lực cầu trú ẩn an toàn khi nhà đầu tư lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Trong nước, giá vàng nhẫn các loại biến động trong vùng hẹp, giao dịch quanh 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 76,5 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 1 triệu đồng/lượng, giao dịch trên 84 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục