Công nghiệp Yên Bái một năm vượt khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2019 | 8:25:56 AM

YênBái - Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở Yên Bái đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu...

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, huyện Trấn Yên hoàn thiện sản phẩm.
Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, huyện Trấn Yên hoàn thiện sản phẩm.

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2018, ngành công nghiệp Yên Bái tuy có bước phát triển, song còn chậm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào ngành xây dựng có xu hướng tăng; một số doanh nghiệp năng lực quản lý, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn hẹp; thời tiết diễn biến phức tạp… gây tổn thất về người, tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.


Trước thực trạng trên, để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) 9.500 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), bên cạnh việc thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các cấp, ngành và doanh nghiệp, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh.

Cùng với sự tác động kịp thời về chính sách của Chính phủ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh và ngành công thương thì sự nỗ lực "tự cứu lấy mình” của doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. 

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu; đồng thời, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Nhờ vậy, hoạt động SXCN của nhiều doanh nghiệp đã từng bước hồi phục, duy trì và phát triển, góp phần giúp SXCN của tỉnh chuyển động tốt, điển hình như Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát... 

Qua đó, SXCN Yên Bái năm 2018 đạt 9.670 tỷ đồng, vượt 1,7 % kế hoạch, tăng 10,9% so với năm 2017. 

Theo ngành công thương, một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2018 tăng cao so với năm trước như khai thác quặng kim loại tăng 33,44%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,25%; sản xuất đồ uống tăng 43,98% do nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng chai; sản xuất trang phục tăng 13,29%; in, sao chép bản ghi tăng 11,29%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,65%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 9,57% do nhu cầu của thị trường dùng các sản phẩm kim loại trong xây dựng thay thế cho các vật liệu khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,56%... 

Các ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với năm trước như: khai thác đá, cát sỏi giảm 3,95% do các quy định về hạn chế khai thác khoáng sản; sản xuất hóa chất (sơn, véc ni) giảm 43,57%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 3,18%; sản xuất điện giảm 2,83% do ảnh hưởng của các đợt mưa bão làm một số nhà máy thủy điện phải tạm ngừng phát điện. 

Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng cao so với năm trước là quặng sắt tăng 29,68% chủ yếu do tăng sản lượng của Công ty TNHH Tân Tiến (mỏ khai thác tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên); quặng chì, kẽm tăng 1,01 lần; khai thác đá blook tăng 24,97%; tinh bột sắn tăng 7,18%.

Quần áo may sẵn tăng 14,75% (do các công ty may có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng quy mô sản xuất); gỗ cưa xẻ tăng 34,14%; gỗ ván bóc tăng 63,14%; xi măng tăng 11,24%; đá xẻ tăng 44,53%; sản xuất cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại tăng 43,77% chủ yếu do Công ty TNHH Sơn dẻo nhiệt SYNTHETIC mới đưa vào sản xuất sản phẩm tôn sóng.

Dịch vụ sản xuất cấu kiện kim loại tăng 62,96%; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 93,07%; điện thương phẩm tăng 14,92%. 

Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm có mức giảm lớn so với cùng kỳ như: đá xây dựng giảm 23,8%; vỏ bào dăm gỗ giảm 24,42%; sơn và véc-ni giảm 44,39%; điện sản xuất giảm 5,82%.

Như vậy giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng khá so với năm trước phản ánh đúng tình hình phát triển công nghiệp của địa phương. 

Để sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, thời gian tới các cấp, ngành cần có những giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ cá thể cho đầu tư phát triển SXCN, nhất là khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khu, cụm công nghiệp. 

Có biện pháp hiệu quả để khuyến khích, thu hút, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với những định hướng và giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó, giữ vững thị trường tiêu thụ đã có, khai thác triệt để thị trường tiêu thụ nội địa và chủ động nắm bắt những cơ hội mới trong hoạt động sản xuất...

Quang Thiều

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục