Yên Bái tập trung các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2019 | 8:01:29 AM

YênBái - UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án "Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020”. 

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Là tỉnh miền núi Tây Bắc, tài nguyên đất đai và khí hậu của Yên Bái rất thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp như chè, quế, rừng, cây ăn quả.


Từ lợi thế đó, Yên Bái đã tập trung quy hoạch, bước đầu hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung và là thị trường tiềm năng về nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Thế nhưng, nhiều sản phẩm nông, lâm thủy sản của tỉnh chưa có thương hiệu trên thị trường, phần lớn xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp chế biến và sử dụng tên, thương hiệu khác.

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.  

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng lúa chất lượng 3.000 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế trên 68.000 ha, vùng măng tre Bát độ trên 3.600 ha, vùng sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thuỷ sản của tỉnh bộc lộ những hạn chế. Hiện phát triển sản xuất mới chú trọng về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp, chưa có sự liên kết trong sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Hầu hết các sản phẩm nông sản có chất lượng trung bình, không đồng đều, thiếu các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm xấu, khó có khả năng nhận diện nên chưa được các nhà phân phối quan tâm thu mua để cung ứng trên thị trường.

Ngay cả những sản phẩm chủ lực của tỉnh có khối lượng lớn như chè đen, lúa gạo, cây ăn quả có múi khi xuất ra thị trường đều là sản phẩm thô, hầu hết không có tiêu chuẩn nhãn mác nên giá trị thương mại thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Đơn cử như sản phẩm chè với vùng nguyên liệu 8.500 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 75-80 nghìn tấn/năm, sản xuất sơ chế là chính, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, thiếu thị trường hay nói chính xác hơn là không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Nguyên nhân chính là do các nhà máy chủ yếu sản xuất chè đen, giá thành thấp, doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp được mà phải xuất qua khâu trung gian nên giá bán thấp. 

Trong giai đoạn 2013-2015, dự án QSEAP đã hỗ trợ cho 114 nhóm hộ trồng chè thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và được các tổ chức chứng nhận cấp chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 113 nhóm hộ với 3972 hộ trên diện tích 2.043 ha với sản lượng hàng năm 21.300 tấn chiếm 25% sản lượng chè tỉnh Yên Bái. 

Từ năm 2017 chứng nhận hết hạn nhưng các nhóm hộ không có kinh phí thuê tổ chức đánh giá gia hạn chứng nhận. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị áp dụng quy trình Nông nghiệp bền vững (SAN) và được cấp chứng chỉ chứng nhận Raiforest Alliancer đó là Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ, Công ty TNHH Hưng Thịnh,  HTX Kiến Thuận. 

Các sản phẩm có chứng nhận được các đơn vị chế biến của Unilever mua với giá cao hơn 10-12% so với sản phẩm không có chứng nhận. Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được sở Khoa học - Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể và cho phép 3 đơn vị khai thác nhãn hiệu "Chè Shan tuyết Suối Giàng” hiệu quả quảng bá khá tốt và hiệu quả. 

Tuy nhiên công tác quản lý chưa thực hiện tốt các sản phẩm mang tên chè Suối Giàng vẫn được bán tràn lan gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm có chứng nhận. Một số sản phẩm địa phương có lợi thế canh tranh như: gạo nếp Tú Lệ, chè Shan Suối Giàng, quế Văn Yên; táo mèo Mù Cang Chải… chưa được quan tâm đầu tư hỗ trợ để trở thành các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hiện nay việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn chưa phổ biến. Mặc dù thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy thực hiện quy trình sản xuất an toàn, chứng nhận chất lượng; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nên chưa xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. 

Các chính sách đầu tư hỗ trợ cho sản xuất mới chỉ chú trọng vào khâu sản xuất, hiện chưa có chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản thủy sản cũng đã được quan tâm, một số dịa phương đã tổ chức các lễ hội như Bưởi Đại Minh, Cam Văn Chấn nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm của địa phương nhưng hiệu quả khá hạn chế. 

Một số doanh nghiệp cũng đã đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh nhưng do sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô không có chứng nhận tiêu chuẩn do đó không đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối. 

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án "Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020”. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng cho biết, Sở Nông nghiệp sẽ hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị tiếp cận với chính sách, tổ chức thực hiện theo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với các loại sản phẩm. Riêng về khâu xúc tiến thương mại, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương để thực hiện nhiệm vụ này theo phân cấp chức năng nhiệm vụ của ngành. 

"Mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận 2 chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ 25 đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận tương đương, tổ chức 40 hoạt động để quảng bá, giới thiệu, liên kết sản xuất với các đơn vị phân phối sản phẩm và thị trường” - ông Hùng nói. 

Mục tiêu Đề án "Hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020” là nâng cao nhận thức, hướng dẫn, trang bị kiến thức, tư vấn cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản xây dựng các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được các tổ chức chứng nhận kiểm tra cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất chế biến xây dựng, cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng, mẫu mã bao bì tiêu chuẩn đóng gói bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, đơn vị phân phối và thị trường, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự tin cậy về chất lượng và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Hỗ trợ các đơn vị quản lý, chế biến tổ chức, tiếp cận, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hình thành các liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm.


Văn Thông

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục