Là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã, những năm gần đây, gia đình ông Hoàng Văn Hiền ở thôn 9, xã Mường Lai đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mở rộng mô hình chăn nuôi gà ri lai thương phẩm.
Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 15 triệu đồng, cùng với sự nỗ lực của gia đình, đến nay, ông đã mở rộng quy mô lên trên 1.000 con gà các loại, trung bình mỗi năm cho bán 2 lứa, trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 60 triệu đồng.
Những năm gần đây, Lục Yên chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định, thích nghi với phương thức sản xuất chăn nuôi hàng hóa, huyện đã có nhiều chương trình đầu tư phát triển chăn nuôi như: hình thành các khu chăn nuôi theo hướng tập trung, chăn nuôi lợn thịt kết hợp lợn nái, chăn nuôi gà, cá lồng... Từ đó, trên địa bàn xuất hiện và hình thành ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
Để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con.
Bình quân mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp xây dựng các mô hình chăn nuôi ở các xã. Bên cạnh đó, tổ chức hoặc tạo điều kiện cho một số nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý mô hình, trang trại chăn nuôi tại tỉnh bạn.
Qua đó, từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã thực hiện 247 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; trong đó, lợn thịt 65 cơ sở, lợn nái 38 cơ sở, gà 69 cơ sở, cá lồng 25 cơ sở. Riêng trong năm 2018, huyện đã thực hiện 26 cơ sở, bao gồm: 12 cơ sở chăn nuôi gà và 14 cơ sở chăn nuôi lợn thịt kết hợp lợn nái, tổng số mức hỗ trợ 480 triệu đồng.
Qua đánh giá, các cơ sở được hỗ trợ trên địa bàn huyện đều phát triển, tạo điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Đặc biệt, thị trường đầu ra ngành chăn nuôi duy trì ổn định, đây cũng là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp được huyện xác định tập trung mở rộng trong những năm tiếp theo.
Ông Triệu Minh Giám - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho biết: "Những năm tới, để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh, sử dụng con giống có năng suất, chất lượng cao; bảo tồn, phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị".
"Huyện sẽ quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... Đó sẽ là điều kiện, giải pháp tốt cho ngành chăn nuôi của huyện ngày một phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn” - ông Giám nói.
Khắc Điệp