Theo đó, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô
Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", ngay từ đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP Quý I năm 2019 thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng từ đầu năm. Mặt khác, đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công nhất là đối với các dự án lớn chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi...
Do đó, để có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8%, nhiệm vụ của những tháng cuối năm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành và địa phương) tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ.
Với các bộ, ngành và địa phương, Chỉ thị nêu rõ, không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Căn cứ nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực và các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng ngành để tạo động lực phát triển không chỉ cho năm 2019 mà còn cho các năm tiếp theo. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế
Cùng với đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay; cắt giảm, bãi bỏ các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết, huy động hiệu quả các nguồn lực và tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và các văn bản liên quan; Nghị quyết của Chính phủ về Danh mục quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy định chuyển tiếp quy hoạch theo Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2019; rà soát, đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chuyển tiếp quy hoạch.
Hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 năm 2019; Thực hiện các biện pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2045, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2019; Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là các dự án năng lượng. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để khẩn trương xử lý các vướng mắc, bất cập trong vấn đề cung ứng điện trong quý II năm 2019; thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dài hạn giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản với các hộ tiêu thụ than để làm căn cứ xây dựng kế hoạch khai thác than dài hạn và khả thi; Chủ trì đề xuất giải pháp giảm dần tỷ lệ gia công, lắp ráp, tăng tỷ lệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2019.
Trao đổi với phóng viên ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng: Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra, cần có sự phối hợp tốt hơn nữa trong công tác điều hành giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả. Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý, cần tính toán lộ trình để quyết định thời điểm và mức tăng giá phù hợp, tránh tăng dồn dập cùng lúc hoặc tăng quá nhiều.
Năm nay, rõ ràng áp lực tăng lạm phát đã rất lớn do tăng giá hàng loạt mặt hàng như điện, xăng dầu và tăng lương cơ bản, tăng thuế bảo vệ môi trường... Cho nên, những mặt hàng sẽ tăng giá theo lộ trình như giáo dục, y tế phải có mức độ và thời điểm tăng giá phù hợp. Chú trọng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để vừa tạo động lực tăng trưởng cho năm nay và cũng là bước đệm cho lâu dài. Đồng thời, chú ý tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, cụ thể là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động. Đây chính là nền tảng lâu dài cho tăng trưởng.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương Phan Đức Hiếu cũng khẳng định cần cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến nhóm giải pháp đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển…
(Theo dangcongsan.vn)