Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng (TTQNH) đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Việc TTQNH giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông; từ đó, giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, bảo quản và hủy bỏ tiền cũ, rách.
Cùng đó, việc TTQNH giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán; giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy trung chuyển vốn; qua đó, góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế.
Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, Yên Bái đã và đang thực hiện khá tốt thanh toán lương qua tài khoản ngân hàng. Toàn tỉnh hiện có 9 chi nhánh ngân hàng loại I, 10 chi nhánh loại II, 52 phòng giao dịch 17 quỹ tín dụng nhân dân, 42 máy rút tiền tự động và 16 phòng Giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt; 180 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại UBND các xã, phường thị trấn trong tỉnh; 4 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Toàntỉnh có 1.139 đơn vị hưởng lương ngân sách, đã có 639 đơn vị trả lương qua tài khoản, đạt tỷ lệ 56,1%. 100% đơn vị doanh nghiệp nộp thuế đã thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tỷ lệ nộp thuế qua dịch vụ ngân hàng đạt trên 95%.
Việc thanh toán các dịch vụ công như: điện, nước, học phí, viện phí… hay qua POS tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực. Hiện, các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện triển khai các gói sản phẩm tiền gửi, tiền vay mới, nâng cao và mở rộng các tiện ích thẻ ATM, tiện ích trong thanh toán, tích cực triển khai thu thuế, phí, lệ phí, học phí…
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội…Yên Bái đẩy mạnh TTQNH đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Thay đổi căn bản tập quán sử dụng tiền mặt để giảm chi phí xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% giao dịch nộp thuế của các tổ chức, cá nhân thực hiện qua ngân hàng; 80% kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng để phục vụ việc thu ngân sách Nhà nước.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước là 70% tại các trung tâm huyện, thị, thành phố; 70% khách hàng là cơ quan, đơn vị, hành chính và 30% khách hàng là hộ gia đình TTQNH; 100% trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo và 80% số sinh viên nộp học phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán viện phí, phấn đấu 50%, các dịch vụ chi trả an sinh xã hội đạt 20%. Riêng 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải phấn đấu 10%. Khuyến khích các tổ chức cá nhân thanh toán tiền cước điện thoại qua tài khoản ngân hàng…
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, cần có sự vào cuộc đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai và đẩy mạnh TTQNH đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Các ngân hàng thương mại thường xuyên triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ việc TTQNH.
Các ngân hàng phải hoàn thành đầu tư hạ tầng công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại kho bạc nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa…
Vấn đề quan trọng nữa là, tăng cường tuyên truyền để mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người dân hiểu rõ được tính "ưu việt” trong việc thanh toán qua thẻ tín dụng trong bất kỳ hình thức giao dịch nào. Bởi thực tế hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu và chưa được tiếp cận với các hình thức TTQNH, qua thẻ tín dụng, do vậy còn tâm lý e dè, ngại ngùng!
Thanh Phúc