Huyện Mù Cang Chải nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9, lượng mưa trung bình là 1.990 mm/năm, trong đó lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 90% lượng mưa của cả năm.
Đặc biệt, huyện có địa hình dốc đứng, thung lũng hẹp, giữa các dãy núi có hệ thống khe suối dày đặc, mưa cục bộ với cường độ cao, nên khi có mưa rào thời gian kéo dài từ 10-15 giờ hoặc mưa to và rất to từ 1 đến 3 giờ là thường xảy ra lũ quét. Mưa cục bộ kéo dài, đất dưới chân núi, đồi lòng khe nơi có nền địa chất yếu dễ gây ra sạt lở đất.
Ngoài ra, do địa hình và tập tục lâu đời, đồng bào dân tộc thiểu số thường cư trú, sản xuất tại các thung lũng, dưới chân núi cao hoặc bên cạnh các con suối có nguy cơ bị cuốn trôi và bị vùi lấp khi xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Chính vì vậy, cứ đến mùa mưa lũ trên địa bàn huyện thường có người chết vì lũ quét, sạt lở đất và hàng chục ngàn mét khối đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông, thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Mù Cang Chải, năm 2018, huyện bị thiên tai làm 7 người chết do sạt lở đất; 20 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 109 ngôi nhà khác phải di dời đến nơi an toàn; 74 công trình công cộng bị hư hỏng.
Để chủ động phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ quét sạt lở đất trước mùa mưa bão, huyện Mù Cang Chải đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Ông Lê Trọng Khang – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Chúng tôi tập trung tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và hậu quả của mưa lũ, sạt lở đất đá để nhân dân chủ động phòng tránh. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, kịp thời thông báo tình hình mưa lũ tới nhân dân; kiểm tra, đánh giá và xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và các khu vực dự kiến nguy hiểm để triển khai phòng chống; kiểm tra phương án di dân và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Được biết, trong năm 2018, huyện đã tổ chức di dời cho 129 hộ dân, trong đó có 20 nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 101 nhà phải di dời khẩn cấp do hoàn lưu bão số 3 và số 4 và 8 nhà khác phát sinh trong các đợt mưa lũ được di dời đến khu ở mới. Các hộ được bố trí xen ghép tại nơi ở an toàn, hiện trên địa bàn có 1 dự án khu tái định cư di dân ở bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có, hiện có 16 hộ dân đang sinh sống ổn định.
Ngoài làm tốt công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai, huyện cũng yêu cầu các địa phương tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc và các vật cản như tre gỗ… ở các khe suối; chú trọng hệ thống thông tin liên lạc cho những vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Huyện cũng chú trọng phát huy khả năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư thông qua phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ”.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản các hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, đá, ta luy khi có mưa lũ hoặc sự cố xảy ra, huyện Mù Cang Chải yêu cầu các cơ quan phụ trách giúp xã ra thông báo bằng văn bản về mức độ nguy hiểm sạt lở đất, đá cho tất cả các hộ dân.
UBND các xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi tình hình diễn biến của các khu vực nguy hiểm và phân công cán bộ phụ trách từng hộ, kịp thời huy động lực lượng giúp đỡ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án di dân tái định cư để bố trí dân cư vùng nguy hiểm chuyển đến sinh sống trước mùa mưa lũ.
Văn Thông