Từng là hộ nghèo ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, nhà nhiều lao động, song lại thiếu tư liệu sản xuất nên nhiều năm qua đói nghèo luôn đeo bám gia đình ông Triệu Trung Hín. Năm 2017, ông được hỗ trợ máy phát cỏ trị giá 8 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất. Có công cụ lao động, biết tính toán, chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống gia đình ông Hín đã khá lên trông thấy và hết năm 2018 đã thoát nghèo.
Gia đình ông Bàn Kim Phúc, thôn Tháp Con; ông Bàn Kim Giao, thôn Tháp Cái, ông Lý Đức Chu, thôn Khe Dứa cũng vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn đầu tư từ Chương trình 135 hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Xã Viễn Sơn có 854 hộ dân ở 5 thôn, bản và 75% là đồng bào DTTS. Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, xã đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư; trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: địa phương đã phân loại rõ đối tượng để lựa chọn phương thức hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhất từ nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho đồng bào DTTS trong xã. Nhờ đó, những năm qua, xã Viễn Sơn đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho đồng bào, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo, bình quân mỗi năm xã giảm được hàng chục hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2018 xuống còn 39%. Mục tiêu trong năm 2019, xã sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20% và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.
Huyện Văn Yên có trên 134 nghìn người, gồm 12 dân tộc, trong đó, DTTS chiếm trên 48% dân số. Những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào DTTS, hộ nghèo, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đều được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2014 - 2019 trên 156 tỷ đồng được đầu tư cho các hạng mục xây dựng 222 công trình đường giao thông, điện, phòng học, nhà văn hóa thôn, thủy lợi...; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gần 32 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ cho hơn 10.000 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo mua sắm máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư phục vụ sản xuất; trên 82 nghìn lượt hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp để mua giống cây trồng vật nuôi, thuốc thú y, muối i-ốt và được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng; 913 hộ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, định canh định cư, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS trong huyện được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi, đường từ huyện đến trung tâm xã được kiên cố hóa đạt 96%, đường từ xã về thôn và đường liên bản được kiên cố bê tông đạt 46%; giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phát triển đảng luôn được quan tâm, chú trọng, đặc biệt đảng viên là người DTTS. Cụ thể, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, toàn huyện đã kết nạp được 1.664 đảng viên, trong đó, đảng viên người DTTS là 660 đảng viên, chiếm 39,66%.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào DTTS ở huyện Văn Yên đoàn kết thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trong huyện không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Ông Hà Đức Anh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, của tỉnh, của huyện giai đoạn 2019 - 2024; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện để thực hiện giảm nghèo; tập trung phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng nông thôn và hạ tầng giao thông.
Phấn đấu đến năm 2024, có 97% số thôn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô tới thôn; trên 97% số thôn vùng đồng bào DTTS được dùng điện lưới quốc gia; hàng năm giảm trên 5% số hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt trên 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS qua đào tạo, tập huấn trên 67,5%...
Thanh Tân