Đến hết tháng 5/2019, tổng nguồn vốn của 16 QTDND đạt 1.140,321 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 951,406 tỷ đồng. Các QTDND luôn bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), dịch vụ của thành viên, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các QTDND cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động và phát triển. Đặc biệt, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) QTDND Hồng Hà, thành phố Yên Bái: với quy định mức vốn góp xác định tư cách thành viên là 300.000 đồng/người; đồng thời, phải duy trì vốn góp thường niên hàng năm tối thiểu 100.000 đồng/thành viên/năm thì việc triển khai thu 100.000 đồng của thành viên có nhiều khó khăn như mất nhiều thời gian và chi phí vì thành viên sau khi trả hết nợ cho Quỹ thường ít đến Quỹ. Có thành viên đi làm ăn xa, rất khó tìm, khó gặp để thu; do đó, nên bãi bỏ.
Bà Trần Thị Lan - Chủ tịch HĐQT QTDND thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: Quỹ được thành lập năm 2011, đến nay đã phát triển được 827 thành viên; vốn điều lệ đạt 2,89 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 44,496 tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp các thành viên thực hiện thành công các phương án SXKD dịch vụ cải thiện đời sống, góp phần xây dựng kinh tế gia đình cũng như địa phương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, việc huy động vốn của các thành viên trong Quỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được tuyên truyền, vận động nhưng một số người dân chưa thực sự tin tưởng mô hình quỹ tín dụng nên thường gửi tiền tại các ngân hàng thương mại lớn.
Để thu hút thành viên, bà Lan đề nghị cơ quan thuế miễn thuế thu nhập cá nhân đối với số lợi tức vốn góp cổ phần xác lập tư cách thành viên 300.000 đồng cho thành viên vì số tiền 5% của số lợi tức 300.000 đồng là rất nhỏ, không động viên thành viên tham gia QTDND. Để các QTDND hoàn thành sứ mệnh tương trợ giúp đỡ thành viên có vốn SXKD dịch vụ, cải thiện đời sống đẩy lùi nạn tín dụng đen thì các QTDND còn cần sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực từ các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại các địa phương nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, quy định về số thành viên tham dự đại hội thành viên cũng có nhiều bất cập. Theo khoản 4, điều 35 Thông tư 04, quy định số lượng đại biểu bầu tham dự đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ QTDND quy định nhưng phải đảm bảo không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với QTDND có từ trên 100 đến 300 thành viên; không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với QTDND có từ trên 300 đến 1.000 thành viên; không được ít hơn 200 đại biểu đối với QTDND có từ trên 1.000 thành viên.
Với yêu cầu cao và khắt khe như trên, sẽ có nhiều khó khăn cho các QTDND từ việc đảm bảo nơi tổ chức đại hội, chi phí cho đại hội; đồng thời, đại hội không hợp lệ khi không đủ số lượng thành viên dự họp.
Như vậy, với các QTDND có từ 1.000 thành viên trở lên phải triệu tập không ít hơn 200 đại biểu, chưa kể khách mời là lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành thì khó có hội trường phù hợp buộc phải thuê ngoài, bởi đa số trụ sở của các QTDND còn quá khiêm tốn.
Việc làm tăng chi phí tổ chức đại hội, vô tình làm tăng áp lực đối với hoạt động QTDND. Theo bà Nguyễn Hồng Nhung - Chủ tịch HĐQT QTDND phường Hồng Hà thì cần có quy định giảm số lượng thành viên tham gia đại hội thành viên hàng năm để giảm bớt chi phí và phù hợp với thực tế hoạt động.
Trước những khó khăn trên, đại diện nhiều QTDND cho rằng, cần sửa đổi một số điều chưa hợp lý trong Thông tư 04 như bỏ quy định vốn góp thường niên hàng năm, vì điều này khó khăn trong việc đi thu của thành viên.
Đồng thời, bỏ quy định về tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên để QTDND thực hiện huy động vốn được thuận lợi như các tổ chức tín dụng khác; giảm số lượng thành viên tham gia đại hội để giảm chi phí và phù hợp với năng lực hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước cần xem xét những kiến nghị của đa số các QTDND liên quan đến những bất cập trong quy định của các văn bản pháp quy để rà soát nghiên cứu, tiến tới sửa đổi sao cho phù hợp nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND củng cố, nâng cao năng lực và hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ.
Văn Thông