Yên Bình: Đường mở từ lòng dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2019 | 8:19:32 AM

YênBái -

Ông Hoàng Văn Ngoan và nhân dân trong khu dân cư chia sẻ cùng lãnh đạo địa phương kinh nghiệm làm đường 2 mét.
Ông Hoàng Văn Ngoan và nhân dân trong khu dân cư chia sẻ cùng lãnh đạo địa phương kinh nghiệm làm đường 2 mét.

"Một trong những yếu tố căn bản để địa phương làm giao thông nông thôn (GTNT) thành công đó là chủ trương đưa ra phải được chính người dân bàn thảo dân chủ; vấn đề tài chính, hay nói một cách nôm na là các khoản chi phí từ đóng góp của bà con cần được công khai minh bạch. Đặc biệt, phải có những người dân, những cán bộ, đảng viên tiên phong, nêu gương, biết đặt lên trước lợi ích chung, cái được lớn của cộng đồng để có phong trào tốt cho địa phương...” - đó là chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, người được Đảng ủy giao trực tiếp đảm trách chỉ đạo thực hiện tiêu chí về giao thông trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã Yên Bình. 

Cây Thị là thôn triển khai làm đường GTNT sớm nhất của xã theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", câu chuyện huy động đóng góp để làm đường chẳng còn vất vả như chục năm trước. Con đường "trâu đi” trước đây theo cách gọi của người dân, giờ mở ra rộng rãi, bê tông hóa sạch sẽ, mưa nắng không còn lo bùn đất lấm người, lấm xe. Nắm tường tận từng chòm, từng xóm, nhóm hộ của thôn, ông Hoàng Văn Ngoan - người có uy tín của thôn Cây Thị, nguyên là cán bộ lãnh đạo xã đã nghỉ hưu không khỏi tự hào khi nói về phong trào làm đường GTNT của thôn với những chia sẻ tâm huyết với cả kinh nghiệm, cách làm hiệu quả; có tiếng nói uy tín, tầm ảnh hưởng, tạo sức bật cho phong trào của những hộ gia đình gương mẫu, tiên phong hiến đất làm đường, trong đó có ông - người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở địa phương. 

Ông Ngoan nhẩm tính: cả thôn Cây Thị có khoảng hơn 7 km, trong đó 3 km đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa theo cơ chế 60 - 40, quy cách đường 3m; khoảng 4 km đường vào khu dân cư (đường 2m) cũng đã cơ bản được bê tông sạch sẽ theo cơ chế kích cầu hỗ trợ xi măng của huyện. Khởi động phong trào phải có người tiên phong. 

Thôn Cây Thị chiếm phần lớn là đồng bào Dao và Cao Lan. Là người uy tín của thôn, gia đình ông Ngoan là hộ tiên phong tự nguyện hiến 600 m2 đất để thôn làm đường. Sau ông có thêm nhiều hộ hiến đất như hộ ông Hoàng Văn Nghiệp, Hoàng Văn Ứng, Trần Văn Căn, hộ bà Phan Thị Bình, ông Nguyễn Hồng Đức… 

Tính ra cả thôn cũng tới trên 40 hộ hiến đất. Nhà nhiều, nhà ít, tổng diện tích ước khoảng gần 3.000 m2. Nói như Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Hơn thì: "Cơ chế kích cầu của Nhà nước mới chính là động lực khơi nguồn nội lực sức dân”. Trên thực tế thì đúng là như vậy. 

Ông Hoàng Nhất - người dân trong thôn chia sẻ niềm vui khi nhánh đường liên hộ vào khu dân cư ông ở gồm 5 nhà vừa đóng góp hoàn thành bê tông hóa:  "Nhờ huyện cho xi măng mà dân có động cơ và quyết tâm để làm đường. Như xóm này, mỗi nhà đóng góp thêm vào 5 triệu đồng, thế là có đường đẹp đến tận sân. Trước kia, để các hộ tự làm là rất khó…”. 

Tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Yên Bình là 40,4 km, trong đó có 11 km đường liên xã đã được bê tông và nhựa hóa; 21,2 km đường liên thôn, đến nay 60% đã được bê tông hóa. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Ngọc Minh, các tuyến đường liên thôn cơ bản đã được bê tông hóa, số còn lại chủ yếu là đường trục chính nội đồng, tổng là 4km. Hiện, địa phương đang đề nghị huyện hỗ trợ xi măng, cát sỏi để cứng hóa 3,25 km trong tổng số này. Riêng đường ngõ xóm, tổng số 4,2 km, đã bê tông hóa đạt 50%. Hiện 5/7 thôn đã cơ bản hoàn thành bê tông hóa đường ngõ xóm. 

Ở thời điểm hiện tại, giao thông đang là tiêu chí chưa đạt mà địa phương phải nỗ lực hoàn thành để đảm bảo tiến độ cán đích nông thôn mới vào cuối năm nay. Nỗ lực và quyết tâm này của địa phương đang được người dân  đồng thuận và hưởng ứng với ý thức trách nhiệm cao.

Ông Hoàng Văn Ngoan - Người có uy tín thôn Cây Thị:

"Từ kinh nghiệm vận động, tôi cho rằng, tiếng nói của người có uy tín là rất quan trọng trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Làm việc cho dân, nếu không có cách vận động, thuyết phục khéo trước tiên mình là người thiệt. Nguyện vọng của bà con là chính đáng thôi. Đơn giản như là lấy đất thì phải bồi thường. Nhưng mà làm nông thôn mới là làm cho người dân thụ hưởng, xã có đâu mà bồi thường. Người dân hiểu ra thì dễ làm. Nhưng mình lại phải biết hy sinh thì tiếng nói trước cộng đồng mới có uy tín, có vậy mới được phong trào bền cho cơ sở. Mỗi người biết hy sinh một tý thì mới có đường làng ngõ xóm khang trang. Ở thôn Cây Thị này, dân chúng tôi hiểu và làm theo cách như thế”. 

Minh Thúy

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa thông tin Trung Quốc sửa đổi quy định về quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10 năm nay.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các Tổng công ty Điện lực năm 2019.

Từ ngày 10/10 tới, hệ thống internet không dây (wifi) trên máy bay Airbus 350 của một hãng hàng không trong nước sẽ được kích hoạt. Hành khách có thể lướt facebook, gửi e-mail, gọi điện ở độ cao 10.000m với giá từ 8-10USD/gói.

Ảnh minh họa.

Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cho người dùng và đối tác tài xế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục