Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản: Hiệu quả, an toàn, tiết kiệm

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2019 | 10:57:44 AM

YênBái - Yên Bái là một trong 44 tỉnh cả nước thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Những năm qua, thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng.

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) của tỉnh đã chi trả trên 20.000 ha rừng; số tiền được chi trả năm 2019 cho diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2018 trên 10 tỷ đồng. Những năm trước đây, đối với diện tích do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý được Quỹ chi trả bằng tiền mặt thông qua ban chi trả tiền DVMTR cấp huyện. 

Việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt mất nhiều thời gian, chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với một số địa phương tiến hành thực hiện thí điểm trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử. 

Năm 2018, Yên Bái là một trong 4 tỉnh trên cả nước được Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) lựa chọn thực hiện thí điểm chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản và dịch vụ thanh toán điện tử. 

Theo đó, Quỹ BVPTR tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ việc mở tài khoản cho các chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tại các địa bàn thuận lợi, phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả tiền DVMTR tại các địa bàn khó khăn, chưa mở được tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử. Tiền DVMTR năm 2018, Quỹ BVPTR tỉnh Yên Bái đã thực hiện chi trả 100% cho các chủ rừng bằng hình thức không sử dụng tiền mặt (với 11 chủ rừng là tổ chức, 70 UBND cấp xã và trên 14.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng). 

Ông Tô Xuân Quý - Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Yên Bái cho biết: "Qua việc thí điểm thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cho thấy tiết kiệm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn so với chi trả bằng tiền mặt. Quỹ đã phối hợp với ViettinBank và dịch vụ thanh toán điện tử ViettelPay đưa ra những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các hộ gia đình, cá nhân để các hộ nhanh chóng tiếp cận với hình thức mới này”. 

Đến nay, toàn tỉnh đã mở được hơn 1.000 tài khoản với gần 9.000 hộ, đạt 61% số hộ được cung ứng tiền DVMTR. Các chủ rừng khi nhận biết được lợi ích của chi trả tiền DVMTR qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ thanh toán điện tử ViettelPay đều tán thành, ủng hộ. 

Ông Phạm Văn Cảnh ở thôn 4, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cho biết: "Mỗi năm gia đình nhận được hơn 2 triệu đồng tiền DVMTR. Trước đây, nhận tiền mặt về là tiêu hết nhưng năm nay được trả qua tài khoản ViettelPay nên tôi để lại tài khoản làm tiền tiết kiệm để khi cần còn có tiền lo công việc chứ cứ như trước lấy tiền mặt về là tôi tiêu hết, khi nhà có việc lại không có tiền”.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản tại 3 huyện Yên Bình, Lục Yên và Trấn Yên. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả từ việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, Quỹ BVPTR tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động, mở tài khoản cho người dân thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua dịch vụ thanh toán điện tử ViettelPay. 

Với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân khi tạo tài khoản cá nhân chỉ cần cung cấp số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước cho dịch vụ Viettel. Đối với chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ khi mở tài khoản chung phải có biên bản họp bầu người đại diện (3 người đại diện đồng chủ sở hữu); đồng thời, cung cấp số điện thoại và chứng minh nhân dân của mỗi người. 

Khi có tiền DVMTR về tài khoản, dịch vụ thanh toán điện tử ViettelPay sẽ thông báo bằng tin nhắn đến điện thoại đã được đăng ký của các chủ rừng số tiền được nhận. Sử dụng ứng dụng ViettelPay chi trả tiền DVMTR không những giúp chủ rừng thuận lợi trong quá trình nhận tiền mà còn giúp việc mua bán hàng hóa trực tuyến tại các cửa hàng, chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng khác, thanh toán tiền điện, tiền nước… không cần dùng tiền mặt. 

Hồng Duyên

Tags Yên Bái dịch vụ môi trường an toàn tiết kiệm

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục