Bộ Công Thương cho biết, mặc dù xuất khẩu hàng hóa tính đến hết tháng 8 ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018 là khá thấp so với con số 19,9% và 16,7% của cùng kỳ năm 2017, 2018, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%.
Sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%). Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định.
Trong 8 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng Việt Nam ước xuất siêu 3,4 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ và Trung Quốc đang leo thang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, Bộ Công Thương nhận định, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.
Ngoài diễn biến khó lường của thương chiến Mỹ - Trung Quốc, Bộ Công Thương còn lưu ý đến động thái giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu hàng hóa cũng như thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Khi đồng NDT yếu hơn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa.
Nhóm các mặt hàng nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức bởi phải cạnh tranh và giảm giá, điều này khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm trước. Trong khi hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu ở các thị trường và các ngành hàng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ dính vào những tranh chấp thương mại, từ đó có những biện pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp.
(Theo VOV)