Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: toàn huyện hiện có 280 doanh nghiệp, hợp tác xã và 820 cơ sở hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 315 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp. Hầu hết, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động đều phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích các thành phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trước hết, huyện tập trung làm tốt cải cách hành chính, trong đó, chú trọng giải quyết các thủ tục hành chính, đúng trình tự, thời hạn theo quy định, không để xảy ra tình trạng trễ hạn, gây phiền hà cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công dân.
Cùng đó, huyện đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo tiến độ dự án; triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, nắm tình hình hoạt động, đồng hành cùng doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp trong hoạt động; tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp...
Nhờ vậy, giai đoạn 2015 - 2019 đã có 60 dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 16.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD đầu tư vào huyện.
Đồng chí Nguyễn Đức Điển cho biết thêm: để từng bước đưa Yên Bình lên một tầm cao mới, huyện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đến cơ sở trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các thành phần kinh tế; trong đó, vận dụng tốt các chính sách trợ giá, trợ vốn, tìm đầu ra cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong quá trình xây dựng và phát triển; chú trọng tuyên truyền, quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư...
Nhờ vậy, huyện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư; trong đó, đã có 8 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tiêu biểu như: Nhà máy Sản xuất chế biến đá vôi trắng của Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai; Dự án xây dựng nhà máy gạch không nung Vĩnh Thành; Dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái hay các dự án đầu tư về du lịch, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh bất động sản của Công ty cổ phần đầu tư ALPHANAM …
Điều đáng mừng, đến nay hầu hết, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản phẩm như: xi măng, điện sản xuất, quần áo may sẵn, bột đá, ván bóc, ván ép, gỗ xẻ… đều phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Cùng đó, các thành phần kinh tế của huyện tiếp tục được củng cố, sắp xếp, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2019 thực hiện trên 11.355 tỷ đồng, ước thực hiện đến năm 2020 là 14.555 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện đã thực hiện chuyển đổi và thành lập mới 32 hợp tác xã và 77 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, chè, tinh bột sắn, chế biến gỗ rừng trồng, xây dựng cơ bản, giao thông, điện nước, dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp và trên 2.000 hộ kinh doanh cá thể, 265 tổ hợp tác thu hút trên 2.500 lao động.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nên tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp năm 2019 ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ đồng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Hà Tĩnh