Tại Yên Bái, từ năm 2017 đến nay, dự án được triển khai thi công và đưa nhiều công trình cầu dân sinh vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo, xóa bỏ tình trạng cô lập do thiên tai, mưa lũ ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Sau hơn 6 tháng triển khai xây dựng, cây cầu bắc qua suối Ngòi Bục vào thôn Làng Lớn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu có tổng mức đầu tư trên 2,2 tỷ đồng với thiết kế mố cầu, dầm cầu hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, chiều dài mặt cầu 24 mét, chiều rộng 3 mét. Bên cạnh sự tạo điều kiện về mặt bằng thi công, xã An Thịnh và thôn Làng Lớn trực tiếp vận động người dân hiến hơn 1.200 m2 ruộng để làm đường dẫn lên cầu.
Bà Nông Thị Nghiệp - Trưởng thôn Làng Lớn, xã An Thịnh phấn khởi cho biết: "Trước đây, mỗi khi mưa lũ là bà con gần như bị cô lập và giờ có cây cầu chắc chắn thế này thì an tâm lắm rồi, nhất là các cháu học sinh đi học an toàn, thuận tiện”.
Không chỉ người dân An Thịnh, nhiều xã khác ở huyện Văn Yên từ nay đến cuối năm cũng vui mừng đón nhận những cây cầu dân sinh trị giá hàng tỷ đồng được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Ông Trương Anh Xuân - Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: "Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân sẽ không còn nỗi lo tai nạn khi qua suối, trẻ em vẫn có thể tới trường mỗi khi mưa lũ về. Cây cầu cũng là yếu tố quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hàng hóa, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm”.
Trong 3 năm gần đây, tỉnh Yên Bái tiếp tục được sự quan tâm của Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng 50 cầu dân sinh với tổng trị giá trên dưới 100 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được phê duyệt đầu tư, ngành giao thông đã phối hợp với các địa phương có công trình tiến hành rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm cầu được xây ở những vị trí thuận lợi nhất, phục vụ được nhiều người dân nhất rồi mới triển khai xây dựng; thường xuyên cử cán bộ trực tiếp kiểm tra các hạng mục công trình chính của cầu và thường xuyên trao đổi các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thi công. Do đó, các công trình đang triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và tiêu chí dự án đã đề ra.
Ông Lê Quang Tuấn - Ban Quản lý Bảo trì đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải cho biết: "Trong năm 2018, có 19 cầu được đầu tư, xây dựng mới tại các thôn, xã vùng sâu vùng xa, nơi có nhu cầu cấp bách về giao thông của 8 huyện thị, thành phố được đưa vào sử dụng. Năm 2019, tiếp tục khởi công xây dựng mới 28 cầu, dự kiến đến cuối tháng 11/2019 sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Năm 2020, dự kiến chủ đầu tư tiếp tục triển khai khởi công thêm 9 dự án cầu dân sinh với tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng”.
Điều đặc biệt của dự án này là các cây cầu được xây dựng tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nơi có bất lợi về giao thông. Mặt khác, do nguồn lực hạn chế, dự án chỉ đầu tư về phần xây dựng cầu còn chi phí cho giải phóng mặt bằng không có, do đó, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm vận động, tuyên truyền người dân hiến đất xây cầu, hiến đất làm đường dẫn lên cầu.
Tuy giá trị đầu tư xây dựng mỗi cây cầu không lớn, có cây cầu chỉ hơn 300 triệu đồng nhưng rất có ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn lực khác nhau, hàng năm, tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều cầu, cống thay thế cho những cây cầu tạm, cầu yếu. Đến nay, đã có trên 1.000 công trình cầu, cống các loại được xây dựng, thay thế những cây cầu yếu, cầu tạm hay ngầm tràn qua suối đã góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê.
Có thể nói, những cây cầu dân sinh không chỉ thay thế những cây cầu yếu, cầu tạm mà còn nối gần những bản xa, tạo điều kiện cho người dân qua lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hùng Cường