Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2019)

Yên Bái đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2019 | 7:47:05 AM

YênBái - Trong 74 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng phấn đấu đưa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày càng phát triển và trở thành trụ đỡ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng, bên trái) và đoàn công tác của tỉnh tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng, bên trái) và đoàn công tác của tỉnh tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La.

Cách đây 74 năm, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Canh nông. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương trong tỉnh; sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái không ngừng lớn mạnh và ngày một phát triển. 


Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đạt được những kết quả khả quan; các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp được điều chỉnh và dần chuyển dịch đúng hướng, đó là tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Sản xuất hàng hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Tỉnh Yên Bái đã có các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển sản phẩm nông nghiệp đảm bảo về chất lượng, theo nhu cầu thị trường, hài hòa hai mục đích là phát triển kinh tế tăng thu nhập bền vững cho nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái. 

Quan trọng hơn cả là nhận thức của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc toàn tỉnh về tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét. 

Nhờ vậy, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 5 năm, từ năm 2016 - 2020 đạt 4,55% (mục tiêu là 4,5%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 6.877 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2015. 

Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng, năm 2016 đạt 24,08%, dự kiến năm 2019 đạt 22,30% trong cơ cấu GRDP của tỉnh (mục tiêu đến năm 2020 là 21,30%). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh năm 2018 đạt gần 50 triệu USD (tương đương 1.150 tỷ VNĐ), nổi bật là: quế; chè, rau quả; sản phẩm chế biến bằng gỗ. 

Phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực, từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu đã chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. Hôm nay Yên Bái đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng quế gần 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ 100.000 ha... 

Các mô hình sản xuất mới được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả, được nhân dân đón nhận, đồng thời đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh. 

Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác không ngừng tăng lên, bình quân 1 ha trồng trọt năm 2018 đạt 59 triệu đồng/ha/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2015, giá trị thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 129 triệu đồng, tăng 22 triệu đồng so với năm 2015. Có nhiều diện tích đất canh tác cho thu nhập cao, đạt 300 triệu đồng/ha/năm. 

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt gần 30 triệu đồng (tăng trên 19 triệu đồng so với năm 2010). Đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) toàn tỉnh còn 17,68%. Theo kế hoạch, năm 2019 giảm 5,8%, như vậy tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) năm 2019 sẽ là 11,88%. 

Đặc biệt các chủ trương, chính sách phù hợp trong quá trình tái cơ cấu  ngành nông nghiệp nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ nét, từ tự phát thành tự giác, từ bị động trở thành chủ động, có nhiều cách làm sáng tạo đã có vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất. Hiệu quả, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, giá trị trên một đơn vị diện tích ngày càng được nâng lên. 

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ hai bên phải) và đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.  

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 61 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 38,85% tổng số xã của tỉnh, vượt 144% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Dự kiến, cuối năm 2019, số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 69 xã; tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục, đó là: phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ.

Kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế; giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất còn chưa cao; việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của ngành nông, lâm nghiệp chưa được quan tâm nhiều, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp.

 

 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. 

Phát huy kết quả đã đạt được, ngành đã đề ra một số nhiệm vụ trong năm 2020 và những năm tiếp theo, để phát triển sản xuất đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau: 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của việc thực hiện phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến các địa phương, tổ chức chính trị xã hội và người dân về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đạt chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. 

Bốn là, tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ: tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩn nông nghiệp.

Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao nội lực, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ các tổ chức, cơ sở đăng ký nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm.

Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO… 

Năm là, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội: rà soát, lồng ghép, tính toán các nguồn lực để thực hiện các đề án, chính sách; từng bước giảm dần đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho nông dân; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế. 

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ tỉnh đến xã, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trần Thế Hùng 
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tags Yên Bái nông nghiệp nông dân nông thôn chăn nuôi thủy sản chế biến gỗ

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục