Yên Bái huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2019 | 8:37:34 AM

YênBái - Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua tỉnh Yên Bái huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, tập trung tháo gỡ khăn trong giải phóng mặt bằng, đôn đốc tiến độ thi công, sớm đưa các công trình vào sử dụng...

Các nhà thầu tập trung máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Các nhà thầu tập trung máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

THÚC ĐẨY TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Qua kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các địa phương sớm bàn giao đầy đủ mặt bằng; chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật đường nối quốc lộ 32 C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trước ngày 30/3/2020. 

Công trình đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư 930 tỷ đồng do Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và Công ty cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi thi công đang chậm so với tiến độ đề ra. Cụ thể, đoạn từ Km0+00 - Km3+500, hiện cơ bản hoàn thành nền đường và công trình thoát nước, nhà thầu đang thi công móng cấp phối đá dăm và rãnh dọc thoát nước. 

Tuy nhiên, tiến độ thi công nền, mặt đường vẫn chậm khoảng 75 ngày so với yêu cầu. Đoạn Km3+500 - Km5+829, nhà thầu thi công đào, đắp nền đường, tiến độ thi công chậm 55 ngày (so với tiến độ điều chỉnh tháng 6/2019). Đoạn từ Km7+595 đến Km 12, nhà thầu đang đào đắp nền đường, cống thoát nước song tiến độ chậm khoảng 20 ngày. 

Ông Chu Ngọc Anh - đại diện nhà thầu lý giải: nguyên nhân chậm là do mặt bằng đã bàn giao cho các nhà thầu không liên tục, địa chất nền đường thay đổi từ đất sang đá, nhà thầu chưa tăng cường bổ sung máy móc thiết bị, tổ chức tăng ca, tăng kíp để bù lại tiến độ bị chậm, đặc biệt là với phạm vi nền đường đá. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các nhà thầu. 

"Đơn vị tập trung huy động, bố trí máy móc, thiết bị nhân lực, tăng ca, tăng kíp để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục theo cam kết. Cụ thể là đẩy nhanh công tác đào nền tại vị trí tái định cư; đẩy nhanh tiến độ thi công móng đường tại đoạn Km 9+ 901 - Km 11+77. Chúng tôi đề nghị tỉnh sớm giải phóng những hộ vướng mắc trên đoạn mặt bằng đã giao để nhà thầu tiến hành thi công đồng bộ, liên tục, đảm bảo tiến độ theo cam kết” - ông Anh nêu ý kiến. 

Với công trình đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tiến độ cũng chậm theo cam kết của nhà thầu với chủ đầu tư. Nguyên nhân là công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; vẫn còn một số hộ dân có thắc mắc, kiến nghị chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Do vậy, cùng với việc chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng đồng bộ, liên tục, không có diện tích đất xen kẹp; các nhà thầu cũng phải huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc thì tiến độ thi công mới có thể đảm bảo theo cam kết. 

Mới đây, đi kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên,  đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn phê bình hai địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu khi tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng tại một số điểm còn kéo dài, có nhà thầu chậm tiến độ thi công 2 tháng so với quy định.  

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các công trình, đồng chí yêu cầu thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu; các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thi công chi tiết yêu cầu nhà thầu thực hiện đảm bảo theo tiến độ. 

Đối với dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lãnh đạo thành phố Yên Bái khẩn trương hoàn thành công khai phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư toàn tuyến xong trước ngày 15/12; vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công xây dựng công trình. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện xây dựng phương án thi công theo phương châm "giải phóng mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó, đảm bảo hoàn thành nền đường toàn tuyến trước 30/4/2020. 

Đối với dự án đường nối quốc lộ 32 C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà giao Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công, hoàn thành hạ tầng khu tái định cư số 3, số 4  để kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân. Thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục, bố trí tái định cư cho các hộ gia đình. 

Lãnh đạo hai địa phương này chỉ đạo tuyên truyền, vận động các hộ gia đình được bố trí tái định cư vào khu tái định cư, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân cố tình chây ỳ, chống đối thì tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công theo quy định, không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình. 

Về tiến độ thi công, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu  tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công; có phương án hỗ trợ và đảm bảo cho 4 hộ gia đình tại khu vực lý trình Km 3 - Km 3+ 500 để triển khai phương án thi công nổ mìn phá đá, phấn đấu hoàn thành nền đường và cơ bản thảm mặt đường trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020; phấn đấu thông xe kỹ thuật  toàn tuyến trước ngày 30/3/2020.

Mạnh Cường
------------------------------

VĂN YÊN BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Giai đoạn 2010 - 2015, công tác phát triển đường  giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Văn Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đường đến trung tâm các xã đã được nâng cấp, rải nhựa và bê tông hóa mặt đường theo tiêu chuẩn cấp V miền núi đạt 99,6 km; mở mới và mở rộng đường liên thôn có chiều rộng nền đường từ 2,5m - 5m đạt 364,7 km; rải nhựa hoặc bê tông hóa mặt đường liên thôn đạt 165,8 km. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2015, tổng số chiều dài đường GTNT trên địa bàn huyện được bê tông hóa mới đạt 33,6%; còn lại là đường cấp phối và đường đất chiếm 66,4%. 



Nhân dân thôn Trung Tâm, xã Ngòi A tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn. 

Đồng chí Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trao đổi: "Trước thực trạng đó, ngày 20/4/2016, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển đường GTNT giai đoạn 2016 - 2020. 

Qua 3 năm thực hiện, huyện đã tập trung xây dựng hoàn thành tiêu chí số 2 về đường GTNT trong bộ tiêu chí quốc gia chuẩn nông thôn mới đối với các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2016 - 2020". 

Đặc biệt, trước những khó khăn và nguồn lực của huyện còn hạn hẹp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp bàn, quyết định chủ trương và bố trí nguồn lực của huyện để xây dựng các tuyến đường giao thông đặc thù có quy mô rộng 1m, dày 12cm ở các thôn đặc biệt khó khăn để giảm bớt khó khăn trong việc đi lại, giao thương của nhân dân... 

Để "mục sở thị”, chúng tôi đã về xã Ngòi A - nơi nhân dân các thôn đang tích cực tham gia bê tông hóa những tuyến đường nội thôn. 

Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng thôn Trung Tâm phấn khởi khoe: "Năm nay, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 60% vốn để kiên cố hóa 1,7 km tại 3 tuyến đường trong thôn. Sau khi xã thông báo, thôn đã tổ chức họp đúng một lần là nhân dân nhất trí mức đóng góp ngay. Tuyến đường Lâm An, mỗi khẩu đóng 830.000 đồng; tuyến đường Khe Bún, mỗi khẩu đóng 500.000 đồng; tuyến đường Khe Lóng, mỗi khẩu đóng 110.000 đồng, tùy thuộc vào chiều dài của tuyến đường và số hộ sinh sống trên tuyến nên có mức đóng góp khác nhau. Đến nay, đã bê tông hóa được gần 1 km, thôn phấn đấu sẽ hoàn thành trong tháng 12 năm nay”. 

Với sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, năm nay Ngòi A sẽ hoàn thành kế hoạch bê tông hóa 11 km đường GTNT, đạt 75,7% tiêu chí số 2 về đường GTNT... Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển đường GTNT giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã kiên cố hóa được 143,54 km đường GTNT, bằng 58,4% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. 

Trong đó, đường GTNT kiên cố được 112,84 km; đường đặc thù kiên cố hóa được 30,7 km. Toàn huyện mở mới, mở rộng đường đất được 40,55 km, bằng 81,1% kế hoạch; xây dựng 271 cống các loại; xây dựng 13 cầu, trong đó có 7 cầu có sự hỗ trợ bằng các vật tư cầu cũ; xây dựng 8 ngầm tràn; sửa chữa 10 cầu treo, 1 cầu cứng có sự hỗ trợ bằng các vật tư cầu cũ; kè 123 m bê tông, 412 m kè rọ đá… 

Tổng giá trị thực hiện đạt 101,2 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ 82,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 18,5 tỷ đồng và hiến 144.516 m2 đất làm đường giao thông. Đến nay, huyện đã có 9 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về đường giao thông là Đại Phác, Yên Hưng, Đông Cuông, Xuân Ái, Yên Phú, An Thịnh, Yên Hợp, Hoàng Thắng, Lâm Giang, đạt 75% kế hoạch. 

Dự kiến hết năm 2019, có thêm 2 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 - về đường giao thông là Yên Thái và Đông An, nâng tổng số xã của huyện đạt tiêu chí số 2 - về đường giao thông, đạt chuẩn nông thôn mới lên 11 xã, bằng 91,7% so với kế hoạch đến năm 2020.

Việc triển khai xây dựng các tuyến đường GTNT nói chung và các tuyến đường giao thông đặc thù trên địa bàn nói riêng là chủ trương rất đúng đắn của cấp ủy huyện, được nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn đã được kiên cố hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân ở các địa phương trong huyện.

Minh Hằng

ĐƯỜNG TỪ LÒNG DÂN

Con đường nội đồng dài 500m, rộng hơn 3m, cắt ngang qua cánh đồng Gốc Túm rộng lớn, trải ngút tầm mắt ở tổ 13, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên nhiều ngày nay rộn rã tiếng cuốc xẻng, dao xây hòa cùng tiếng nói cười của đông đảo người dân. Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, những người dân nơi đây đang đóng góp sức người, sức của để biến ước mơ hàng chục năm về trước của bao người thành hiện thực. 

Khởi công từ đầu tháng 10 đến nay, con đường nội đồng chạy qua cánh đồng rộng gần 330 ha vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của thị trấn Yên Thế, phục vụ vận chuyển phân bón cho chăm sóc, thu hoạch lúa và rau màu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang nên vóc, nên hình. 


Nhân dân tổ 13, thị trấn Yên Thế cùng nhau làm đường. 

Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường đang thi công, chị Quách Thị Thơm - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố 13 cho biết: "Để làm đoạn đường này, tôi đã tổ chức họp với tất cả các hộ có ruộng, đất nằm trên trục đường cùng nhau đưa ra ý kiến thống nhất, đóng góp tiền, công sức, sau đó báo cáo với cấp ủy chi bộ và lãnh đạo thị trấn mọi người đều nhất trí, nhiệt tình ủng hộ". 

Đến nay, đã có 41 hộ dân có đất, có ruộng cùng nhau ủng hộ. Số tiền được tính theo đầu sào, cứ 180 nghìn đồng trên /1 đầu sào, hộ nhiều nhất là 7 sào đóng góp 1,2 triệu đồng, còn lại các hộ khác có từ 1 đến 2 sào ruộng. Điều đáng ghi nhận là do vận động tốt ở tổ còn có nhiều hộ dân xung quanh, dù không có đất và đất ruộng nhưng vẫn nhiệt tình góp sức, góp của ủng hộ cho xây dựng tuyến đường vì lợi ích chung, giúp các hộ có đất, có ruộng sớm có con đường thuận lợi, phục vụ sản xuất. 

Điển hình như hộ gia đình anh Hoàng Đình Tú ủng hộ 1,5 triệu đồng, gia đình anh Đỗ Trọng Toàn ủng hộ 60 khối đá xây dựng, gia đình anh Trịnh Xuân Tác ủng hộ 1 tấn xi măng... Nhiều hộ gia đình khác còn ủng hộ từ 300 - 500 nghìn đồng. Tổng số tiền thu được trên 40 triệu đồng.

Được biết, đường được thi công làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu thuê nhà thầu kè đá hộc hai bên, rải đá cấp phối nền đường 1/2 tuyến; huy động nhân dân rải đá, chuyển đá vào công trình. Giai đoạn hai thi công 1/2 tuyến còn lại tiếp tục thuê nhà thầu kè đá, mọi người cùng nhau đắp nền đường chờ khô để rải đá. Đến nay, khu vực thi công giai đoạn một đã tạo xong mặt đường. Khu vực thi công giai đoạn hai còn 250m qua nhiều xình lầy, đất trũng đắp xong nền đường phải chờ thời tiết khô ráo mới rải đá tạo nền đường. 

Bà Bùi Thị Sen - người dân tổ 13 thị trấn Yên Thế phấn khởi: "Tôi thấy đoạn đường này rất thiết thực, thuận tiện cho nhân dân qua lại, lao động sản xuất nên nhiệt tình ủng hộ”. Không có đất ruộng trên tuyến đường, anh Đỗ Trọng Toàn người dân cùng tổ dân phố vẫn tích cực kêu gọi ủng hộ từ các doanh nghiệp. 

Anh Toàn chia sẻ: "Tôi muốn giúp đỡ bà con nhiều hơn nữa, vì bà con vất vả quá. Dù không góp sức, nhưng tôi luôn cố gắng kêu gọi ủng hộ vật chất và tinh thần cho bà con!". Dự kiến sau khi hoàn thành rải cấp phối toàn tuyến, nhân dân trong tổ sẽ tiếp tục vận động quyên góp để bê tông hóa tuyến đường trong những năm tới.

Ngắm nhìn con đường nội đồng trải dài được làm nên từ lòng dân ở tổ 13, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, chắc hẳn không ai không khâm phục ở sự đoàn kết, đồng lòng của người dân nơi đây. Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, họ đang cùng nhau góp công, góp của làm nên con đường từ lòng dân, vững bước xây dựng nông thôn mới trên quê hương Lục Yên.

Bùi Minh

Tags Công trình trọng điểm giao thông nông thôn đường từ lòng dân tiêu chí số 2

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục