Mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công được triển khai thực hiện từ đầu tháng 3/2019 trên quy mô 3 ha với 10 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình này người dân đã được huyện và Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (DVHTPTNN) hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật gieo trồng.
Nhờ đó, năng suất khoai sọ đạt 7,7 tấn/ha, cao hơn gieo trồng thông thường từ 30 - 35%. Đây là giống khoai sọ địa phương chất lượng củ thơm, bở, ngon từ lâu được người dân trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho người trồng trên 43 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích.
Là một trong 10 hộ dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình, ông Phàng A Dề ở thôn Tà Xùa phấn khởi cho biết: "Những diện tích này, trước đây gia đình mình trồng lúa nương và ngô nhưng đất bạc màu rồi nên năng suất chẳng được bao nhiêu. Năm nay, trồng khoai sọ mình thấy được nhiều hơn hẳn so với trước. Vụ tới mình sẽ tiếp tục trồng khoai sọ và mở rộng thêm diện tích nữa”.
Chung suy nghĩ với anh Dề, chị Giàng Thị Chi chia sẻ: "Giống khoai sọ bản địa này dễ trồng lại không phải chăm sóc thường xuyên nên cũng có thể làm được. Nếu đất đã bạc màu, mình chịu khó cho nhiều phân hơn là vẫn đảm bảo năng suất”.
Từ thành công của mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả, người dân thôn Tà Xùa đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật, đồng thời biết thâm canh, sử dụng các loại phân bón hữu cơ trong thâm canh an toàn thực phẩm đối với cây khoai sọ.
Ông Giàng A Trư - Chủ tịch UBND xã Bản Công chia sẻ: "Thành công từ mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa đã giúp xã Bản Công khai thác được tiềm năng từ đất, nhất là nâng cao được giá trị kinh tế trên các diện tích đất kém hiệu quả và là tiền đề để xã tiếp tục mở rộng quy mô thâm canh loại cây trồng này trong những năm tiếp theo”.
Được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm 2019, huyện Trạm Tấu đã tiến hành trồng 45 ha khoai sọ, tập trung ở các xã: Xà Hồ, Bản Công, Bản mù, Pá Hu, Pá Lau... với năng suất ước đạt 14 tấn/ha, sản lượng ước đạt 630 tấn. Toàn bộ các diện tích trên được trồng bằng giống khoai bản địa có vị thơm, bở, đậm đà được người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưa chuộng. Quá trình canh tác thu hoạch hoàn toàn tự nhiên nên đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Bắt đầu từ cuối tháng 9, bà con các xã đã bắt đầu thu hoạch khoai sọ.
Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Để sản phẩm khoai sọ tiếp tục vươn xa ra thị trường, UBND huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ để bảo vệ và công nhận thương hiệu cho sản phẩm khoai sọ Trạm Tấu. Từ đó, sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người trồng cũng như nâng cao giá trị kinh tế cây khoai sọ”.
Hiệu quả kinh tế mà cây khoai sọ đem lại đã được khẳng định trên vùng cao Trạm Tấu, mở ra hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế của huyện. Đồng thời, khẳng định chủ trương đúng đắn của huyện khi chọn khoai sọ là một trong số sản phẩm đặc trưng của huyện và trong chuỗi liên kết giá trị cao để thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy.
Ngọc Sơn