Để mùa xuân mãi trường tồn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/1/2020 | 11:04:34 AM

YênBái - Nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc, nên so với các địa phương trong tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ có rất ít diện tích rừng. Toàn thị xã chỉ có hơn 725 ha đất lâm nghiệp trên tổng số hơn 3.000 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó, 70% rừng tập trung tại xã Nghĩa An, với trên 530 ha. Có lẽ vì vậy mà ở nơi này rừng trở thành thứ tài sản quý giá được bảo vệ và phát triển theo những cách rất riêng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày giáp tết, lang thang trong bản làng người Thái Nghĩa An, cuộc sống đã thay đổi, nhiều nhà đã dùng bếp ga để tiện sinh hoạt, nhưng không khó để bắt gặp khói bếp vẫn bảng lảng trên từng mái nhà sàn. 

Bên bếp lửa bập bùng, chị Lường Thị Loan chia sẻ: "Cuộc sống đã văn minh, hiện đại lên nhiều, giờ nhà nhà đã sử dụng bếp ga, bếp từ để tiện cho việc đun nấu nhưng bếp củi vẫn song hành, nhất là dịp lễ, tết, nhà có việc, bếp củi vừa giữ phong tục truyền thống vừa giúp chế biến món ăn của người Thái. Để duy trì bếp củi, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành luật lệ của thôn, bản”. 

Cùng Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An - Hà Việt Cường chúng tôi lên thăm rừng. Mọi khoảng đồi là trùng điệp, bát ngát màu xanh của keo, của bạch đàn. Với 350 hộ trồng rừng, chiếm trên 50% tổng số hộ của xã, bởi vậy làm sao có thể để đất trống. 

Vượt 79 bậc gạch, chúng tôi lên miếu thờ rừng thuộc thôn Đêu 2, trên đồi Pú Trạng, từ vị trí này có thể phóng tầm mắt hết cánh đồng Mường Lò. Miếu là ngôi nhà xây cấp 4 nằm dưới tán cây co - noong quanh năm xanh tốt. 

Phó Chủ tịch Cường cho biết: "Côn ké tẻ chạn tẻ lai” - (các cụ từ xửa, từ xưa) đã thấy cây này. Vì vậy, chắc cây phải vài ba trăm tuổi, loại cây này xanh tốt quanh năm. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, bản mường tổ chức "xên đông” - cúng rừng tại đây. Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đồng thời, thông qua đó cũng khẳng định thêm trách nhiệm giữ rừng của mỗi người dân”. 

Phó Chủ tịch Cường cũng thông tin thêm, để giữ rừng, cùng với giao rừng cho từng hộ chăm sóc, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đặc biệt việc trồng rừng được xã hết sức quan tâm. Xã thành lập Tổ Bảo vệ rừng do đích thân Chủ tịch UBND xã Vi Văn Trình làm tổ trưởng. Thành viên của tổ là các cán bộ xã. Tổ thường xuyên tuần tra vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật và sau giờ làm việc. 

Tại các thôn Đêu 1, 2, 3, 4, Nà Vạng, Nậm Đông… cũng thành lập các tổ, do trưởng thôn làm tổ trưởng. Bảo vệ rừng, các thôn có hương ước riêng về phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó quy định mức phạt với các gia đình để trâu, bò vào phá rừng mới trồng; mỗi năm 2 lần các gia đình tổ chức phát quang cây cỏ dại, tỉa thưa cây và phát tán cho cây. Gia đình nào muốn đốt nương, làm nhà, khai thác gỗ rừng trồng đều phải xin ý kiến UBND xã. Nếu xảy ra cháy rừng, sẽ báo động bằng tiếng trống, tất cả các gia đình trong xã phải có trách nhiệm cắt cử người lên chữa cháy.

Rừng được bảo vệ tốt không chỉ giúp giữ gìn môi sinh, sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà rừng được quản lý, khai thác hiệu quả đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân Nghĩa An. 



 Trong tâm thức người Thái Nghĩa An, rừng có vị trí cực kỳ quan trọng. 

Giữa những cánh rừng xanh mát, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Sươi - Trưởng thôn Đêu 1, cũng là Tổ trưởng tuần tra rừng của thôn. Hàng chục năm làm Trưởng thôn cũng là ngần ấy thời gian ông Sươi làm người tuần rừng, dù khu vực ông đi tuần tra lên tới vài chục héc - ta rừng phòng hộ nhưng ông đã quen từng con đường, từng giao thông hào, nhớ từng gốc cây to. 

Bằng kinh nghiệm dày dạn của người đi rừng, không chỉ nhắc nhở bà con chỉ nên tỉa cành về làm củi, thường xuyên phát quang cỏ rậm đề phòng cháy rừng, không cho trâu, bò vào phá rừng…, ông Sươi còn nắm bắt được thời điểm kẻ xấu thường hay lợi dụng chặt trộm cây, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo về xã để xử lý. 

Ông chia sẻ, người Thái có câu "Tai pá phăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là: "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”. 

Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được quy luật của rừng, dân tộc Thái chúng tôi tôn trọng rừng và đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng, như luật tục bất biến mà mỗi người, mỗi bản mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng. Thậm chí xưa từng lưu truyền rằng, có những khu rừng thiêng không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim, con thú… Ai đi qua cũng phải cúi lạy, phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở, bảo vệ.

Đi trong những cánh rừng Nghĩa An với lộc non chồi biếc báo hiệu mùa xuân đang về, chúng tôi hiểu, rừng trong tâm thức của người Thái nơi đây như trái tim của cộng đồng, rừng được tôn thờ, được sùng kính như với ông bà, tổ tiên. 

"Có rừng, có cây, có hoa quả chín, chim muông, ong bướm muôn loài sẽ đến. Không có rừng, muôn loài ong bướm và chim muông sẽ bỏ đi!”. Câu nói người dân tộc Thái Nghĩa An về rừng và cách họ bảo vệ rừng thật đáng quý. Nếu ở đâu, rừng cũng được tôn trọng và bảo vệ tốt như nơi này thì màu xanh tươi của nó như mùa xuân sẽ mãi trường tồn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. 

Đình Tứ

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục