Quế xuân tươi nắng mới

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/1/2020 | 9:36:04 AM

YênBái - Đến nay, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên có 274 hộ dân đăng ký trồng quế hữu cơ với diện tích hơn 200 ha, chủ yếu ở Khe Mạng, Làng Than, Làng Chạng, Thượng Sơn.

Đồi quế hữu cơ để dành làm của hồi môn cho cô cháu nội của ông Lò Văn Khẹo.
Đồi quế hữu cơ để dành làm của hồi môn cho cô cháu nội của ông Lò Văn Khẹo.

"Thì cũng có thể ngồi được chục mâm phòng khách…” - ông Lò Văn Khẹo ở thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đáp lời khen về ngôi nhà của gia đình. Tựa lưng vào đồi quế, ngôi nhà ba tầng khang trang hoàn thành cách đây hai năm, chỉ riêng tiền công ông trả thợ đã gần 400 triệu đồng. Người thanh niên lúc 28 tuổi là ông những năm 80 thế kỷ trước đã cần mẫn khai phá, lặng thầm gieo hạt "mỗi mảnh một tý rồi nhân rộng ra đôi chục héc - ta” mới có cuộc sống hôm nay. 

Ông Khẹo khoe hồi tháng Bảy, hai vợ chồng vừa đi du lịch Thái Lan: "Tiêu vèo bốn chục triệu đồng nhưng vui, thích! Hộ chiếu mười năm, bà Ương vợ tôi cứ bảo chỉ lo không có đủ sức mà vi vu”. Chạy đi đôi phút, ông trở lại với quyển sổ chép hai bài thơ tự sáng tác sau lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài có tựa đề "10 thấy” và "10 mong”. Sang sảng giọng ông: "Một mong trong túi có tiền, đi chơi du lịch khắp ba miền nước ta, kiếm được quyển hộ chiếu ra thăm nước ngoài”. 

Cười khà khà, ông bảo có quế sẽ có tiền. Vụ ba, vụ tám năm 2019, bán 5 tấn quế vỏ khô, nhà ông được hơn 300 triệu đồng và nhận thưởng 5 triệu đồng. Thưởng này doanh nghiệp thu mua dành cho hộ bán sản phẩm quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn. 

Là tháng Tám năm 2018, anh Lò Văn Đường - con trai ông đăng ký sản xuất 2,1 ha quế hữu cơ. Ông bảo, tưởng quế sạch khó làm, thực ra cũng rất dễ: "Không phân hóa học thì trước nay vẫn vậy, mảnh ruộng chẳng bón, đừng nói rừng quế. Không phun thuốc diệt cỏ thì chỉ thêm công phát tay, phát máy. Thu hoạch, phơi khô, bảo quản, vận chuyển thì phải sạch sẽ, tránh để gần và lẫn các chất độc hại”. 

Đồi quế hữu cơ ngay sau nhà là của hồi môn ông để dành tặng cô cháu nội đang học lớp 12 trường tỉnh.

Chung nhận định của ông Lò Văn Khẹo với việc trồng quế của người dân địa phương cơ bản hoàn toàn tự nhiên, anh Triệu Tòn Pú ở thôn Khe Mạng cảm thấy rất may mắn có điều này. 10 ha quế hiện có của nhà đã được Pú đăng ký sản xuất quế hữu cơ 6,9 ha. 

Pú chia sẻ, anh trồng quế theo ông, theo bố. Đời ông, đời bố có điều hay, điều tốt thì mình học, mình giữ. Đồng bào Dao Khe Mạng vốn sẵn ý thức làm sàn phơi quế vì thấy nhanh khô hơn nền đất. Sản xuất quế hữu cơ so với cách trồng của người Dao không có nhiều khác biệt nhưng cũng có nhiều thứ phải làm theo đúng yêu cầu. 

Những thay đổi ngỡ rất nhỏ nhưng có thể tạo nên chuyển biến lớn,  cực kỳ có ý nghĩa. Pú bảo: "Bây giờ làm quế sạch, những gì cần thay đổi thì sẽ thay đổi, những gì chưa biết thì được hướng dẫn cụ thể. Chỉ như vậy thì quế mới có chất lượng tốt, thị trường tốt và chắc chắn là giá tốt. Có nhiều cái nữa mà làm quế sạch được nói cho hiểu thêm, lợi mình lợi người lợi chung, bảo vệ môi trường cho đời sau”. 

Năm 2019, nhà Pú bóc tỉa hai vụ bán được 180 triệu đồng, nhận 3,7 triệu đồng tiền thưởng. Quế cân xong, tiền trao tay. Thưởng quế sạch, cuối vụ nhận. Rõ ràng, sòng phẳng, kịp thời. Nếu so với tiền bán quế, món thưởng nho nhỏ nhưng "một đồng tiền thưởng cũng đáng quý” là quan điểm của Pú. 

Từ ông Khẹo đến anh Pú có thể coi như dấu nối thế hệ với tràn trề khát vọng làm giàu. Như những rừng quế, đồi quế đời tiếp đời, tháng tiếp tháng, năm tiếp năm sẽ vươn cao, thêm xanh tươi. Cây quế tự thân chứa đựng vô vàn câu chuyện lớn nhỏ, thường ngày, gắn kết máu thịt với ông Khẹo, với anh Pú, với tất cả người dân nơi đây. Người Phong Dụ Thượng tự tin, hãnh diện, nuôi ước vọng đưa cây quế đi xa và xa hơn nữa!

Vị thế của cây quế ngày càng nâng cao bởi giá trị kinh tế và văn hóa mang lại, đóng góp cho sự thay đổi, phát triển của Phong Dụ Thượng. Đồng chí Lò Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã vui mừng thông tin, năm 2019 giá quế trên thị trường tăng cao nên nguồn thu từ quế đạt hơn 20 tỷ đồng, năm 2018 là 18 tỷ đồng. 

So sánh các năm, chưa bao giờ giá quế cao và nhiều biến động như năm 2019, vụ ba dao động từ 45.000 - 59.000 đồng/kg quế vỏ khô, vụ tám là 55.000 - 62.000 đồng. Đặc biệt là chính sách ưu đãi của Công ty cổ phần Visimex đối với sản phẩm quế hữu cơ của các hộ dân: thu mua theo giá thị trường, thưởng thêm 500.000 đồng/ tấn quế vỏ tươi và 1 triệu đồng/ tấn quế vỏ khô. Theo con số thống kê từ cơ sở thu mua của Visimex, chị Nguyễn Thị Phượng cho biết, vụ ba năm 2019 đã thu mua hơn 68 tấn quế vỏ khô đạt tiêu chuẩn hữu cơ và đã trả thưởng cho các hộ hơn 68 triệu đồng. 

Chính sách thưởng nhằm khuyến khích người trồng quế canh tác, sản xuất, thu hoạch sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tổ chức Helvetas Việt Nam đã triển khai hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng là vùng nguyên liệu của đối tác Visimex về công tác tập huấn, hướng dẫn. 

Đến nay, có 274 hộ dân đăng ký trồng quế hữu cơ với diện tích hơn 200 ha, chủ yếu ở Khe Mạng, Làng Than, Làng Chạng, Thượng Sơn. Chủ tịch Lò Văn Mạnh chia sẻ về kế hoạch mỗi năm trồng mới 200 ha quế thì một nửa số đó sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ: "Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, an toàn trở thành tất yếu để mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm nâng cao, bảo vệ môi trường bền vững. Chủ trương của địa phương sẽ tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”.

"Chín thấy ngày xưa nương ót rừng vầu, ngày nay rừng quế xanh xanh khắp nơi” - lời ông Khẹo vang ngân cùng tiếng suối Ngòi Hút róc rách trước cửa nhà. Quế sạch của nhà ông Khẹo, nhà Pú, nhà nhà thêm cơ hội thông mở đường tới nhiều thị trường quốc tế. Họ tự hào có mình, có nhau, có cộng đồng cùng hun đúc khát vọng đẹp đẽ. Và chắc chắn, những chuyến bay du lịch nước ngoài sẽ rộng dài hơn không riêng chỉ với vợ chồng ông Khẹo... 

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục