Ấm no từ những bãi dâu, con tằm

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/1/2020 | 3:57:33 PM

YênBái - Trấn Yên có vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc và cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Nông dân xã Tân Đồng thu hái lá dâu.
Nông dân xã Tân Đồng thu hái lá dâu.

Đến nay, Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu quy mô gần 700 ha với trên 1.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm tập trung ở các xã: Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Hòa Cuông, Y Can, Quy Mông… Song song với việc mở rộng diện tích, huyện đang tiến tới xây dựng nhà máy se tơ, dệt lụa để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động.

Các thôn Lan Đình, Trúc Đình của xã Việt Thành nằm ven sông Hồng, được trời phú cho diện tích đất soi bãi và đất ruộng phù sa màu mỡ. Gần 20 năm trước, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này người dân chủ yếu trồng ngô, lúa, rau màu manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập phụ thuộc vào thời tiết, cái nghèo vẫn đeo đẳng. 

Đến đầu những năm 2000, cây dâu - con tằm bắt đầu được đưa vào sản xuất ở vùng đất này với sự khởi đầu gian nan cho đến hơn chục năm sau, nghề trồng dâu, nuôi tằm mới thực sự có chỗ đứng. Rồi diện tích ruộng, soi bãi vốn trồng ngô, lúa dần được chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. 

Giờ đây, 2 thôn Lan Đình, Trúc Đình đã hình thành vùng trồng dâu bạt ngàn trải dài ven sông với tổng diện tích trên 100 ha, chiếm hơn 70% diện tích dâu toàn xã. Trên 90% hộ dân trong thôn đều tham gia trồng dâu nuôi tằm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm còn 1,6%; trên 80% nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện nay, thôn Trúc Đình đã được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Ông Mai Kim Sơn, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành cho biết: "Theo chủ trương của địa phương, gia đình tôi tích cực chuyển đổi các diện tích lúa và hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Ngoài ra, còn mở rộng diện tích ao nuôi cá nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Chúng tôi rất phấn khởi với sự thay đổi của quê hương mình và tin tưởng vào những quyết sách của địa phương”.

Được biết, đến cuối năm 2017, xã Báo Đáp mới chỉ có hơn 40 ha dâu tằm. Thực hiện Đề án Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên, chỉ trong 2 năm 2018 - 2019, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân trong xã đồng loạt chuyển đổi các diện tích đất ruộng trồng lúa, đất vườn, đất soi bãi trồng ngô sang trồng dâu, nuôi tằm. 

Đặc biệt, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa để quy hoạch cánh đồng trồng dâu tập trung tại các thôn Đồng Trạng, Ngòi Hóp, Đồng Sâm. Chỉ sau 2 năm, nhân dân trong xã đã trồng mới hơn 70 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu của xã lên hơn 110 ha. 

Hiện toàn xã có hơn 300 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm và tích cực liên kết sản xuất, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng dâu - nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Đến nay, Báo Đáp đã thành lập được 18 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã và 1 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm. 

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: "Sau khi phương án dồn điền đổi thửa được UBND huyện phê duyệt, Ban Chỉ đạo xã, tiểu ban thực hiện ở các thôn đã tổ chức giao đất, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thiện đường nội đồng, mương tưới tiêu, tổ chức trồng dâu, nuôi tằm trên toàn bộ cánh đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch cánh đồng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trước mắt triển khai chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho bà con”. 

Ở Trấn Yên, có lẽ Tân Đồng là một trong những xã thành công nhất trong thực hiện chương trình trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, toàn xã có 350 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm với gần 130 ha dâu trải đều ở cả 8 thôn. 

Những năm gần đây, người dân trong xã không ngừng cải tiến phương thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dâu, nuôi tằm. Nếu như trước đây, bà con nuôi tằm nong, sử dụng né tre thì nay đã đồng loạt chuyển sang nuôi tằm trên nền cứng và sử dụng né gỗ ô vuông. So với né tre truyền thống thì né gỗ ô vuông có nhiều ưu điểm vượt trội đó là dễ làm hơn, không phải cắm né nên làm nhanh hơn, thời gian rút kén chỉ khoảng 3 phút một né. Đặc biệt, với cách làm này kén tằm không bị ẩm vì mỗi con tằm nằm trong một kén, nhờ đó vừa góp phần giảm công lao động vừa nâng cao sản lượng, chất lượng kén. 

Sau nhiều năm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật mới, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có sự thay đổi cả về chất và lượng. Diện tích dâu, sản lượng kén tằm tăng bền vững theo từng năm. Thực tế cho thấy, trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, lao động trên địa bàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho nông dân. 

Hiện vùng trồng dâu toàn huyện đã đạt gần 700 ha, năm 2018 sản lượng kén tằm đạt trên 500 tấn, giá trị thu nhập hơn 50 tỷ đồng; năm 2019 sản lượng kén đã là trên 650 tấn, mang lại nguồn thu hơn 65 tỷ đồng. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Điều đáng phấn khởi là hiện nay bà con đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng dâu nuôi tằm, cảnh nong, né nằm la liệt như ngày trước đã không còn, thay vào đó là các tổ hợp nuôi tằm con trên khay nhựa, nuôi tằm tuổi 4, tuổi 5 trên nền xi măng, trên né gỗ ô vuông… giảm chi phí, công lao động, tăng số lượng tằm nuôi trên đơn vị diện tích nhà tằm, dễ phòng trừ bệnh và tăng năng suất, chất lượng kén. Toàn huyện hiện có 25 hộ nuôi tằm con tập trung, trong đó có 7 hộ xây dựng mới nhà nuôi tằm con có đủ các phòng chức năng đảm bảo tiêu chuẩn, tập trung ở các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng”. 

Để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững và khép kín chu trình sản xuất, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho các hộ từ trồng dâu đến nuôi tằm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm kén, giảm chi phí và công lao động; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để Công ty Dâu tằm tơ Miền bắc từng bước xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng 1 nhà máy ươm tơ tự động tại xã Tân Đồng có công suất 200 tấn tơ/năm, tiêu chuẩn tơ đạt cấp 2A trở lên và giai đoạn năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng cơ sở dệt lụa. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu huyện đề ra đến năm 2020 có 1.000 ha diện tích trồng dâu cho giá trị kinh tế khoảng 300 triệu đồng/ha mỗi năm.

Anh Dũng

Các tin khác
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh ngược chiều với vàng SJC.

Sáng nay (20/4), giá vàng nhẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục