Phải nhiều lần hẹn hò, tôi mới có dịp cùng anh Đỗ Văn Lừng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn đi tham quan các mô hình trồng chè GlobalGAP của các xã viên. Nắng sớm của mùa thu như dát vàng trên những nương chè xanh ngát.
Hít căng lồng ngực hương đất trời quê núi, như thấy lâng lâng, ngây ngất lạ thường. Ngắt búp chè tươi non đưa lên miệng anh Lừng bảo: "Trước đây, cứ đến khoảng thời gian này, người dân trồng chè lại phun thuốc bảo vệ thực vật vừa để bảo vệ búp chè vừa để kích thích chồi non phát triển. Nhưng từ khi thực hiện quy trình chăm sóc đạt chuẩn GlobalGAP, chúng tôi ít dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng như chất kích thích nên chất lượng tăng lên đáng kể. Để đạt chất lượng của Unilever là yêu cầu vô cùng khắt khe. Vùng nguyên liệu phải cách ly với chuồng trại, nguồn nước ô nhiễm…; quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP và chỉ một sai sót nhỏ, HTX cũng có thể chịu phạt rất nặng”.
Vốn là một HTX dịch vụ nông nghiệp, chế biến, kinh doanh chè xanh... Năm 2015, HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX và tập trung đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với 54 thành viên HTX, 35 hộ dân quanh vùng để liên kết sản xuất, đứng ra hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 300 - 500 đồng/kg.
Cuối năm, dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng. Từ vài héc - ta nguyên liệu ban đầu, đến nay, HTX đã xây dựng được 300 ha nguyên liệu và vẫn đang liên tục gia tăng từng năm. Bằng sự liên kết chặt chẽ và biết chia sẻ lợi nhuận, HTX và các hộ thành viên, các hộ dân liên kết đã chung một con thuyền trên con đường phát triển. Năm 2018, HTX xuất khẩu thành công hơn 700 tấn chè sang Nga, Hoa Kỳ, doanh thu đạt 25 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 800 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng".
Chia tay HTX tiêu biểu của huyện Văn Chấn, chúng tôi tới thăm các mô hình kinh tế tập thể được ví như cánh chim đầu đàn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của huyện Trấn Yên. Tiếp chúng tôi ngay tại trụ sở HTX, ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành hồ hởi giới thiệu: HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành tiền thân là tổ hợp tác (THT) trồng tre măng Bát độ.
Năm 2015, HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX, số lượng thành viên tham gia tăng lên 25 thành viên với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ, HTX đã liên kết, liên doanh ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre cho thành viên và nông dân. HTX ký trực tiếp với người nông dân trồng tre măng Bát độ, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất.
Đến nay, HTX đã liên kết với 200 hộ dân và xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích trên 300 ha. Hằng năm, HTX đã tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên HTX và người dân. Đến nay, doanh thu HTX đạt trên 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, các HTX, THT trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, xây dựng các mối liên kết, hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau. Việc tham gia THT, HTX giúp cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đến 31/11/2019, toàn tỉnh hiện có 402 HTX, vốn điều lệ 921,8 tỷ đồng, với 26.782 thành viên; gần 2.800 THT, với trên 16.500 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, vận tải, tín dụng nhân dân.
Qua tìm hiểu, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đều thực hiện mô hình vừa quản lý vừa điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời là giám đốc HTX. Doanh thu bình quân của HTX đạt 995,7 triệu đồng/HTX, lãi bình quân của một HTX là 213 triệu đồng, hàng năm các HTX nộp ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ đồng.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết: "Thời gian qua, các HTX, THT đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, đã đóng góp hàng tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của xã viên và người lao động.
Các HTX đã phát huy những lợi thế của địa phương để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, chủ động liên doanh, liên kết với các hộ thành viên và doanh nghiệp, tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị để được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên; đồng thời, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Hoạt động của các HTX đã góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế của địa phương".
Quang Thiều