Đầu xuân, chúng tôi trở lại xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải và được Bí thư Đảng ủy xã Lê Ngọc Minh cho hay: năm 2019, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã rất phấn khởi, bởi 45/45 chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt mức Nghị quyết đề ra.
Trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.000 tấn, bằng 109,7% so với Nghị quyết; lương thực bình quân đầu người đạt trên 780 kg/người/năm, bằng 101,49%; thu ngân sách đạt trên 77 triệu đồng, bằng 102,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 113%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,19%, giảm 8%, bằng 101%...
Trước đây, cả 4 bản đều khó khăn về đường giao thông vì hầu hết là đường đất. Diện tích đất canh tác nhiều, song chủ yếu sản xuất một vụ, vụ còn lại trồng lúa nương nên cả xã có tới trên 80% số hộ đói giáp hạt, đứt bữa.
Để giúp người dân thoát nghèo, Đảng ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó, trọng tâm là chuyển đổi những diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đồi, trồng cây thảo quả để tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Cùng đó, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay, đã giúp nhân dân bứt phá đi lên.
Từ "4 không": không đường, không điện, không trường, không trạm” đến nay, các bản đều đã "4 có": có đường bê tông đến trung tâm bản, điện lưới quốc gia kéo đến các thôn bản, trường học, trạm y tế ở trung tâm xã. Cùng đó, nhiều tuyến đường đi vào các chòm dân mỗi bản đã dần được bê tông hóa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều hộ được vay vốn đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã không còn hộ đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,19 %. Thăm gia đình ông Giàng Tráng Giao, bản Dế Xu Phình, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả.
Từng là hộ nghèo, năm 2014, ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng thảo quả và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi gà đen bản địa. Đến nay, ông có hơn 3 ha thảo quả và trong chuồng luôn có trên 100 con gà đen bản địa. Vụ thảo quả năm 2019, ông thu về hơn 100 triệu đồng, nhờ đó, cuộc sống khá lên trông thấy.
Ông Giao cho biết: "Lúc đầu vì không có vốn nên tôi chỉ trồng hơn 1.000m2 thảo quả và trồng ngô đồi để chăn nuôi. Thấy hiệu quả, nên tôi chuyển đổi toàn bộ đất lúa nương sang trồng thảo quả”.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Hảng Sông Tủa, bản Háng Cuốn Rùa cũng là mô hình kinh tế tiêu biểu. Từ 30 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, năm 2015 ông đầu tư nuôi gà đen bản địa. Hiện, ông luôn duy trì đàn gà trên 200 con và có vốn ông tiếp tục đầu tư nuôi gần trăm con dê, trồng sơn tra để bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng.
Ông Tủa cho biết: "Nhờ cán bộ xã tuyên truyền, được vay vốn, tôi tập trung phát triển kinh tế. Vừa làm vừa học, thế rồi cuộc sống cũng khá dần hơn. Trước đây, làm gì dám mơ đến xe máy, nhưng nay nhà ở đã khang trang, đồ đạc sinh hoạt đắt tiền cũng đủ, chỉ lo tập trung cho con cái ăn học”.
Xác định đúng hướng đi, có sự đầu tư, cùng với nâng cao dân trí nên việc xóa nghèo ở Dế Xu Phình đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đây là động lực để xã tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.
Lê Thanh