Sau 5 năm, với sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong huyện, sản xuất nông nghiệp liên tục giành thắng lợi. Đến năm 2020 ước giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 38,3% so với năm 2015 và bằng 112,5% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng bình quân đạt 6,7%/năm.
Không chỉ đơn thuần tăng về giá trị sản xuất, huyện còn thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với XDNTM; thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung và lựa chọn, xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Đặc biệt, đã thực hiện chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của thị trường với khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường như vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, tăng 1.900 ha, sản lượng 70.000 tấn, tăng 50.400 tấn; vùng quế 16.000 ha, tăng 5.600 ha; vùng trồng dâu đạt 900 ha, tăng 676 ha, sản lượng kén tằm đạt trên 1.000 tấn; vùng trồng cây ăn quả có múi 762 ha, tăng 553 ha, sản lượng quả đạt 2.000 tấn; trong 5 năm đã hỗ trợ phát triển mới 402 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, nâng tổng số lên 618 cơ sở chăn nuôi hàng hóa…
Không chỉ hình thành vùng sản xuất, bước đầu huyện đã xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững như: chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ; liên kết phát triển trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm; chuỗi liên kết phát triển nuôi gà thương phẩm; chuỗi sản xuất quế hữu cơ; xây dựng làng nghề trồng và chế biến chè chất lượng cao tại thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng; làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đình Xây, xã Báo Đáp. Huyện đã xây dựng các sản phẩm OCOP là: măng tre Bát độ, chè Bát tiên, quế, sản phẩm quả có múi, rau an toàn, gà thương phẩm, mật ong, sản phẩm đồ uống...
Trong XDNTM đạt kết quả vượt bậc, trong 5 năm đã huy động hơn 5.466 tỷ đồng để XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp 552 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng nguồn vốn. Bên cạnh đó, nhân dân còn hiến hơn 50 ha đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng.
Trong thực hiện XDNTM, huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với mục tiêu nghị quyết đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11%.
Đặc biệt, 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được kiên cố hóa; 81% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi của các xã đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 73,4%... Nhờ vậy, hết năm 2019 huyện trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia NTM, là điểm sáng trong phong trào XDNTM của tỉnh.
Những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn huyện đạt được trong nhiệm kỳ qua là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục duy trì và phát triển để trở thành huyện NTM kiểu mẫu của tỉnh.
Thanh Phúc