Có diện tích đất lâm nghiệp trên 100 ha, nhưng trước đây nhân dân thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn đã phát triển kinh tế rừng, trong đó, chủ yếu trồng rừng phân tán bằng các loại cây: mỡ, keo, bạch đàn, bồ đề… nhưng chưa loại cây nào có ưu thế vượt trội lại hay bị sâu bệnh phá hoại mạnh nên hiệu quả thấp.
Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, nhân dân trong thôn tích cực đăng ký trồng quế vào các diện tích rừng kém hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ việc trồng rừng trước đây, người dân trồng rừng tập trung theo đúng quy hoạch và đúng kỹ thuật. Với sự chủ động, tích cực của nhân dân, đến nay, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch được phủ kín bằng cây quế.
Ông Phùng Sinh Khoa cho biết: "Khe Bút đã có truyền thống trồng quế từ lâu nhưng chỉ trồng ít và không chăm sóc nên cây phát triển chậm. Gần đây, Nhà nước khuyến khích, hướng dẫn trồng quế nên bà con rất phấn khởi, tích cực trồng, chăm sóc. Do đó, quế đều sinh trưởng tốt và sẽ cho tỉa cành bán lá trong vài năm tới”.
Cũng như thôn Khe Bút, việc phát triển cây quế của đồng bào Dao ở thôn Liên Thành đã có truyền thống từ rất lâu. Nhiều hộ có rừng quế tập trung rộng vài héc-ta; tuy nhiên, do tập quán gieo trồng quảng canh nên mật độ, chất lượng cây không đồng đều, dẫn tới hiệu quả thấp.
Thời điểm giá quế xuống thấp, một số hộ phá quế để trồng chè, trồng rừng. Khi giá quế tăng cao trở lại, đặc biệt việc tận thu cành, lá đã tạo điều kiện cho nhiều hộ trồng quế rút ngắn thời gian thu hoạch và có thu nhập thường xuyên.
Đây là điều kiện và là động lực để đồng bào trong thôn đẩy mạnh phát triển cây quế. Cùng đó, mỗi năm, người dân thôn Liên Thành chủ động phát triển từ 5-10 ha quế, nâng tổng diện tích quế lên trên 50 ha.
Bà Phùng Thị Bích ở thôn Liên Thành cho biết: "So với các loại cây rừng hay cây chè hiện nay, cây quế có giá trị nhất, dễ trồng, chăm sóc và thời gian cho thu hoạch cũng chỉ từ 5-6 năm. Vì vậy, nhiều hộ đã chủ động mượn đất, tự ươm giống để mở rộng diện tích và tập trung phát triển cây quế”.
Xã Minh An có diện tích tự nhiên trên 1.345 ha, trong đó, hầu hết là đồi núi có bình độ thấp đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển cây quế. Từ lâu, quế đã là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Tuy nhiên, do thời gian thu hoạch dài, giá thành sản phẩm không ổn định nên người dân chỉ trồng quế cầm chừng. Vài năm gần đây, thị trường quế ổn định và được sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân trong xã đã trở lại đẩy mạnh trồng quế.
Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh giá trị của cây quế, Đảng bộ, chính quyền xã Minh An tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh trồng loại cây này.
Theo đó, xã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện rà soát, quy hoạch diện tích trồng quế; đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn nhân dân đăng ký và trồng đúng kỹ thuật. Hàng năm, xã đã lập danh sách đề nghị huyện hỗ trợ cây giống và từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm xã đăng ký trồng mới trên 30 ha, nâng diện tích quế lên gần 600 ha. Việc hỗ trợ và phát triển trồng quế tập trung đã mở ra hướng đi mới hiệu quả hơn cho trồng rừng kinh tế ở Minh An.
Ông Triệu Đức Quý-Chủ tịch UBND xã Minh An khẳng định: "Trong khi nhiều diện tích cam bị bệnh, một số diện tích chè ở đồi cao cũng kém hiệu quả, chúng tôi đã xin ý kiến các đơn vị chức năng và vận động nhân dân chuyển sang trồng quế để có hiệu quả hơn”.
Trần Ngọc