Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Giám đốc Công ty cho biết: các công trình giao thông do Công ty quản lý chủ yếu đi qua các vùng núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp, không ổn định và khi có mưa lớn thường xảy ra lũ quét gây sạt lở đất, phá hỏng công trình giao thông.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa đá, dông lốc xảy ra với tần suất cao, ảnh hưởng lớn tài sản của nhân dân và Nhà nước. Hơn nữa, một số tuyến đường tỉnh đã xuống cấp, chất lượng mặt đường thấp, quy mô một số tuyến đường chưa đáp ứng được yêu cầu về khai thác, các công trình thoát nước chưa đồng bộ về tải trọng và hiện nay đã xuống cấp phải hạn chế tải trọng khai thác… nên khi có bão, lũ xảy ra gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông và phân luồng trên các tuyến.
Trước thực trạng trên, bước vào mùa mưa bão năm nay, Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I Yên Bái đã xây dựng các phương án phòng, chống lũ bão nhằm đảm bảo giao thông trên tất cả các tuyến đường.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý Dự án bảo trì đường bộ, Công ty đã thực hiện tốt quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo các tiêu chí chất lượng thực hiện. Trong đó, tập trung tăng cường thực hiện tốt việc phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, rải êm thuận mặt đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, cột cây số, biển báo đầy đủ.
Đối với các vị trí xung yếu trên quốc lộ 37, đoạn Km 348+00 - Km 356+00 (đèo Lũng Lô); quốc lộ 32, đoạn Km 260+00 - Km 274+00 (đèo Khau Phạ) và các tuyến đường tỉnh lộ như: Văn Chấn - Trạm Tấu; tuyến đường Mường La - Mù Cang Chải… Công ty đã chuẩn bị đủ vật tư dự phòng, bố trí đủ máy móc, thiết bị tại các hạt để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết thêm: "Để đối phó với mùa bão năm nay, nhất là tại các điểm xung yếu, chúng tôi đã bố trí 4 máy xúc, 2 máy xúc lật, các ô tô vận tải; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan và các lực lượng xung kích, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” để tổ chức phân luồng giao thông nếu xảy ra ách tắc nhiều giờ".
Các đội tuần đường tổ chức tuần 24/7 kịp thời phát hiện các vị trí xảy ra sự cố kịp thời báo để có phương án xử lý. Ngoài ra, Công ty tăng cường các biện pháp cảnh báo, tuyên truyền để các lái xe, đặc biệt là xe chở khách qua các khu vực đèo dốc, bị ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Cùng đó, Công ty đã phối hợp với các Sở giao thông vận tải lân cận để xây dựng các phương án phân luồng giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh khi xảy ra ách tắc giao thông.
Cụ thể, trên quốc lộ 32, trong trường hợp ách tắc giao thông đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim, các phương tiện tham gia giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai đi theo hướng đèo Khế đến Km172 trên quốc lộ 32 đi theo quốc lộ 37 qua thành phố Yên Bái đến Km 271 trên quốc lộ 37 đi quốc lộ 70 về Lào Cai, Lai Châu.
Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 32C, qua cầu Văn Phú qua thành phố Yên Bái đi quốc lộ 70; hoặc đi theo quốc lộ 37 đến Km 283+500 (cầu vượt đường quốc lộ 37 của đường cao tốc lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Các phương tiện tham gia giao thông từ Lai Châu qua Than Uyên về Hà Nội, Yên Bái đi theo tuyến quốc lộ 4C đi Lào Cai, quốc lộ 70 hoặc đi quốc lộ 279 về quốc lộ 70 đi Hà Nội.
Còn ở quốc lộ 37, trường hợp ách tắc giao thông đoạn Km 351 - Km 356 (đèo Lũng Lô), các phương tiện tham gia giao thông đi huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đi theo hướng từ Km 339 trên quốc lộ 37 (Ngã ba Cầu Gỗ) đi quốc lộ 32 (qua đèo Khế) về ngã ba Thu Cúc đi theo hướng quốc lộ 32B đi Phù Yên và ngược lại.
Ngoài ra, Công ty còn chủ động các vật tư vật liệu như: xăng, rọ thép, đá hộc, ô tô, máy xúc, máy ủi… để xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa, nhất là các điểm xung yếu đảm bảo thông suốt và an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Hà Tĩnh