Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid - 19 nên tốc độ tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.
Nhiều chi nhánh NHTM, QTDND đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và triển khai hàng loạt giải pháp miễn, giảm phí, lãi suất… và các gói ưu đãi tín dụng dành cho nhiều mục đích vay phục vụ khách hàng doanh nghiệp, DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng cá nhân… nhằm khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và tiếp tục ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh cho các DN.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái: tổng nguồn vốn của chi nhánh NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) và QTDND trên địa bàn đến 30/4/2020 ước đạt 27.740 tỷ đồng, tăng 1,13% so với 31/12/2019.
Trong đó, nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển (NHPT) là 590 tỷ đồng; giảm 3,28%; tổng nguồn vốn của các chi nhánh NHTM, NHCSXH, NHHTX và QTDND trên địa bàn đạt 27.150 tỷ đồng tăng 1,23% (cùng kỳ tăng 7,63%); tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đến 31/3/2020 đạt 23.727 tỷ đồng, giảm 1,26% so với 31/12/2019; trong đó, dư nợ cho vay của chi nhánh NHPT đạt 560 tỷ đồng; giảm 3,95%; dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM, NHCSXH và QTDND đạt 23.180 tỷ đồng, giảm 1,14%.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện "cách ly xã hội” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh Yên Bái nên hoạt động sản xuất, dịch vụ, vận tải, du lịch… của các DN đều giảm, nhu cầu sử dụng vốn không cao dẫn đến khó khăn trong việc tăng trưởng dư nợ; dư nợ tháng 3 có tăng so với tháng 02/2020 nhưng vẫn giảm so với năm 2019.
Ước tính, đến 30/4/2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 24.005 tỷ đồng, giảm 0,10% so với năm 2019; trong đó, dư nợ cho vay của Chi nhánh NHPT đạt 555 tỷ đồng; giảm 4,80% so với năm 2019; dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM, NHCSXH và QTDND đạt 23.450 tỷ đồng, tăng 0,02% so với năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 6,17%).
Trong tháng 4/2020, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHTM thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết quả, đến hết 31/3/2020 dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch là 2.128 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ; trong đó, đã thực hiện tháo gỡ khó khăn cho 503 khách hàng với số tiền 1.269 tỷ đồng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 63,8 tỷ đồng của 16 khách hàng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ 548,3 tỷ đồng của 62 khách hàng; cho vay mới là 657 tỷ đồng với 425 khách hàng); tháo gỡ khó khăn cho 101/503 DN với dư nợ là 922 tỷ đồng.
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đơn vị vừa có Công văn số 328 ngày 27/4/2020 về việc công khai đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị về thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Qua số điện thoại đường dây nóng, Agribank Yên Bái sẽ tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân về thực hiện quy định việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, chất lượng tín dụng các chi nhánh ngân hàng và QTDND được rà soát, đánh giá, phân loại nợ đối với toàn bộ các khoản cấp tín dụng. Trên cơ sở đó, đã thực hiện hạch toán, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.
Các NHTM, QTDND tích cực dùng nhiều biện pháp để xử lý và thu hồi nợ xấu, xử lý nợ xấu; cơ cấu nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) của các chi nhánh NHTM, NHCSXH và QTDND đến 31/3/2020 chiếm 0,80% tổng dư nợ, tăng 0,33% so với tháng 2/2020. Tỷ lệ nợ xấu của NHPT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đến 31/3/2020 chiếm 12,99% tổng dư nợ.
Tình hình thanh khoản của các chi nhánh ngân hàng, QTDND rất tốt, có khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn và thanh toán của khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 30/4/2020 ước đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 0,96% so với năm 2019, chiếm 43,07% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến 30/4/2020 ước đạt 8.380 tỷ đồng, tăng 0,92% so với năm 2019 và chiếm 35,74% tổng dư nợ.
Dư nợ 14 chương trình tín dụng đến 31/3/2020 đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 1,78% so với năm 2019 (trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 1.207 tỷ đồng; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 587 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 438 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 128 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 252 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 297 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 16 tỷ đồng...).
Ước đến 30/4/2020, dư nợ đạt 3.150 tỷ đồng tăng 3,24%, góp phần triển khai thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh năm 2020. |
Quang Thiều